Liên Xô mới giảm bớt quân đội một lần nữa, và đề nghị với các nước tài giảm binh bị triệt để và hoàn toàn. Xô, Anh và Mỹ đang bàn bạc cách cấm tiệt thử bom nguyên tử và khinh khí. Tình hình thế giới đang bớt căng thẳng. Mùa xuân đang đưa đến cho thiên hạ một luồng gió hòa bình.

Thì đùng một cái, Pháp thử bom nguyên tử! Có thể nói: đó là một sự khiêu khích thế giới, phá hoại hòa bình.

Vì vậy, chỉ có người cầm quyền Pháp hí hửng tự hào, và bọn phản động Tây Đức đắc ý vì chúng đã giúp Pháp "thành công" thử bom nguyên tử.

Nhưng khắp thế giới ai cũng phản đối kịch liệt.

Ở Pháp - chẳng những nhân dân lao động, mà các nhà trí thức, các chính khách nổi tiếng như cựu Thủ tướng E.Phô, các lãnh tụ tôn giáo như giám mục xứ Căngbơre, các báo chí tư sản như tờ Thế giới - đều phản đối.

Nhân dân khắp năm châu đều phản đối kịch liệt. Nhất là nhân dân Arập và châu Phi. Họ nói: Pháp thử bom nguyên tử ở sa mạc Xahara là một tội ác lớn đối với nhân dân châu Phi, là một hành động đê hèn vô nhân đạo, là một chính sách ngu xuẩn điên rồ, v.v.. Họ đòi chính phủ các nước châu Phi cắt đứt ngoại giao với Pháp. Và Chính phủ Gana đã niêm phong tài sản của kiều dân Pháp. Nhân dân Marốc đã bãi công 4 giờ đồng hồ, Chính phủ Marốc thì xóa bỏ hiệp ước ký với Pháp năm 1956 và gọi đại sứ ở Pháp về… Phong trào chống Pháp đang lan tràn sôi nổi.

Phải chăng Pháp muốn chạy đua vũ khí nguyên tử? Đặt câu hỏi này, khiến người ta nhớ đến bài thơ "con cóc và con bò" của thi sĩ Pháp - La Phôngten[1]. Giỏi lắm thì tài chính kém sút của Pháp cũng chỉ cho phép làm độ nửa tá bom là cùng, vì Pháp phải dốc hết tiền của để theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược, và vô hy vọng ở Angiêri.

Dù sao, 2.000 triệu đồng phơrăng đã theo quả bom đầu tiên mà tan thành mây khói, và danh dự của Pháp trên thế giới cũng theo quả bom ấy mà nổ toang.

Viết đến đây, tôi có một ý kiến đề nghị với Tổng thống Đờ Gôn: Ngài muốn thử bao nhiêu bom thì ngài cứ thử. Riêng tôi thì tôi không phản đối, nhưng xin Ngài:

Thử ở trong nước Falangsa,

Chớ thử ở Xahara,

Ngài đã phải đi xa,

Lại hại đến nhân dân người ta!.

T.L.

----------------------

Báo Nhân Dân, số 2162, ngày 18-2-1960, tr.6. 


[1]. Ông La Phôngten sinh năm 1621, mất năm 1695. Bài thơ đại ý nói:

Con cóc muốn to. Thi với con bò.

Rồi nổ bụng chết. Thế là hết trò!

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.