Hôm nay 26-10-1959, Bắc Kinh lại náo nhiệt khác thường, vì có cuộc "Quần anh đại hội" (tiếng ta quen gọi là "Đại hội liên hoan anh hùng và chiến sĩ thi đua").

Đến dự hội có 6.576 anh hùng thay mặt cho ngót 30 vạn tập thể tiên tiến và hơn ba triệu 60 vạn chiến sĩ tiên tiến (trong đó có 54 vạn phụ nữ), thuộc các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ bản và tài chính, mậu dịch.

Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ đã đến tham gia đại hội. Đồng chí Lưu Ninh Nhất đọc lời khai mạc. Đồng chí Chu Đức thay mặt Trung ương Đảng đọc lời chúc mừng. Đồng chí Lý Phú Xuân đọc báo cáo chung, nêu rõ mấy điểm sau đây:

- Năm nay, kế hoạch năm năm lần thứ 2 sẽ hoàn thành, tức là hoàn thành trước thời hạn hai năm. Về công nghiệp, gang thép sẽ vượt 12 triệu tấn, than đá sẽ vượt 335 triệu tấn, v.v.. Về nông nghiệp, tuy năm nay ngót 34 triệu mẫu tây ruộng đất bị thiên tai nặng, nhưng do nông dân hăng hái chống hạn và nhờ những thủy lợi đã làm trước, cho nên thu hoạch vẫn đạt 275 triệu tấn lương thực, tức là hơn năm ngoái 10%.

- Mục đích của toàn đảng và toàn dân ta là ra sức phấn đấu để thực hiện một nền công nghiệp, một nền nông nghiệp, và một nền khoa học văn hóa hiện đại, nhằm đuổi kịp và vượt qua nước Anh trong vòng mười năm. Việc đó nhất định làm được, vì sự thật đã chứng tỏ rằng đường lối chung của Đảng (đưa hết lực lượng vươn lên hàng đầu, mọi công việc phải làm đúng khẩu hiệu: nhiều, nhanh, tốt, rẻ) là rất đúng.

- Phương châm phát triển kinh tế là: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, kết hợp với việc phát triển nhanh chóng nông nghiệp. Hai việc ấy phải tiến song song với nhau. Giữa công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp phải có một tỷ lệ đúng đắn.

Về nông nghiệp thì cải tiến kỹ thuật là một việc quan trọng bậc nhất.

- Kinh tế Trung Quốc có những tiến bộ nhảy vọt là vì quần chúng hăng hái thực hiện đường lối của Đảng, và biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của mình.

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng luôn luôn ra sức giáo dục để nâng cao trình độ chính trị và tư tưởng của toàn Đảng, toàn dân. Nhờ vậy, mà trong quần chúng đã trưởng thành hàng triệu người lao động chân tay và trí óc thấm nhuần đạo đức cách mạng:

Tinh thần làm chủ nước nhà rất cao, giác ngộ kỷ luật lao động rất vững, họ hết lòng, hết sức phấn đấu vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và của nhân dân.

Họ là những người chí công vô tư, không ngại khó khăn, không sợ gian khổ, không kèn cựa, suy bì.

Họ dám nghĩ, dám nói, dám làm. Đồng thời họ khiêm tốn, không tự mãn tự kiêu. Họ luôn luôn cố gắng học hỏi để tiến bộ không ngừng, và luôn luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác cùng tiến bộ.

Vì ngày càng nhiều những công nhân và cán bộ tiên tiến như vậy, cho nên phong trào thi đua yêu nước rất rộng khắp và rất bền bỉ giữa tổ này với tổ khác, giữa ngành này với ngành khác. Kết quả là sản xuất tăng gia không ngừng. Vài thí dụ:

- Xưởng đúc gang số 6 (Thượng Hải) là một xưởng cũ, thiết bị thô sơ. Tuy không thêm máy, không thêm người, mà năm 1958 sản lượng của xưởng đã tăng gấp đôi năm 1957, so với vài chín tháng đầu năm ngoái thì chín tháng đầu năm nay đã tăng 68%.

- Mỏ than số 2 ở Hoài Nam, kế hoạch định mỗi năm sản xuất 90 vạn tấn. Nhưng năm ngoái đã sản xuất 1 triệu 14 vạn tấn. Năm nay, công nhân và cán bộ quyết tâm sản xuất 2 triệu tấn.

Còn nhiều xí nghiệp tiên tiến như vậy. Sau đây là vài thí dụ về những người tiên tiến:

- Ở mỏ sắt Long Yên, tổ đồng chí Mã Vạn Thủy suốt mười năm, tháng nào cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch, đã chín lần phá kỷ lục sản lượng, và so với năm 1949, thì năng suất lao động năm nay tăng gấp 180 lần!

- Đồng chí Thiềm Thủy Xương là công nhân đóng tàu ở Đại Liên, suốt mười năm không sản xuất một thứ gì sai quy cách. Năm ngoái, đồng chí Thiềm đã hoàn thành kế hoạch của 20 tháng và năm nay chỉ trong sáu tháng đã hoàn thành kế hoạch cả năm.

- Nữ đồng chí Triệu Mộng Đào làm việc ở nhà máy dệt số 1 tại Thiềm Tây, trong bảy năm, tháng nào cũng hoàn thành kế hoạch. Đồng chí Triệu chẳng những luôn luôn đưa kinh nghiệm của mình giúp đỡ người khác tiến bộ, mà còn thường giành làm lấy ở máy xấu, để nhường máy tốt cho chị em.

- Nhà dây thép Khác Pin có một nữ anh hùng thanh niên tên Lý Vinh, làm việc mới ba năm. Người ta thường cho rằng chọn thư theo địa điểm là một việc rất tầm thường. Nhưng Lý Vinh nghĩ rằng: Việc đó rất quan trọng, vì nhiều văn kiện của nhà nước và thư từ của nhân dân đều kinh qua nhà dây thép. Nếu phân phát chậm trễ hoặc sai lầm, thì ảnh hưởng không ít. Vì vậy, đồng chí Lý đã tìm mọi cách để làm cho nhanh và tốt. Trong hai năm qua, Lý đã chọn hơn bốn triệu phong thư, không có một phong nào sai lạc. Theo kế hoạch thì mỗi tiếng đồng hồ phải chọn 3.000 phong, mà mỗi giờ Lý đã chọn được 8.500 phong, có khi được hơn 10.500 phong.

Với hàng vạn, hàng triệu người lao động anh dũng như vậy, thì chắc chắn rằng khó khăn gì cũng vượt được, và kế hoạch to mấy cũng hoàn thành.

TRẦN LỰC

-----------------------

Báo Nhân Dân, số 2064, ngày 10-11-1959, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.