Là lực lượng cách mạng vũ trang của nhân dân, quân đội Trung Quốc cũng như quân đội ta, luôn luôn đồng cam cộng khổ và xung phong tiến bước với nhân dân. Ở đây, tôi chỉ nói những kinh nghiệm sản xuất và tiết kiệm của quân đội bạn.

Trong kế hoạch năm năm thứ nhất, thực hiện khẩu hiệu: “Ở đâu công việc khó khăn, quân đội nguyện đi đến đó”, bộ đội giao thông của Giải phóng quân đã đặt 1.951 cây số ray cho các đường xe lửa. Đã sửa chữa và xây đắp 4.390 cây số đường cái và 1.242 chiếc cầu.

Trong việc đắp con đường Tây Khang đến Tây Tạng, bộ đội đã công tác suốt năm trên núi tuyết và suối băng; ở những vùng cao hơn mặt biển 5.800 thước tây, vì không khí mỏng mà cơm nấu không chín, hơi thở khó khăn.

Những ngày làm trị thủy ở sông Hoài, bộ đội đã góp 157 vạn ngày lao động.

Năm 1956 - 1957, bộ đội đã quyên giúp các hợp tác xã nông nghiệp 24 triệu 46 vạn đồng để xây dựng 41 trạm máy cày cho 60 vạn mẫu ruộng. Nhiều đồng chí đã quyên cả số tiền gom góp để cưới vợ.

Để tự túc một phần, năm ngoái bộ đội đã sản xuất 11 vạn tấn rau xanh, 4 vạn tấn thóc; nuôi được 20 vạn con lợn (ngoài số năm triệu kilô thịt bộ đội đã ăn) và 11 vạn con bò và dê.

Năm nay, bộ đội sẽ tự túc về rau và thịt từ 10 tháng đến một năm. Bộ đội ở Thượng Hải nuôi lợn nhiều nhất, tính đổ đồng cứ mỗi chiến sĩ có gần hai con lợn.

Về mặt tiết kiệm, trong kế hoạch năm năm thứ nhất, bộ đội đã đưa một số binh công xưởng và nhiều dụng cụ góp vào phần xây dựng kinh tế nước nhà; trong số đó có 4.500 chiếc xe hơi. Ngoài ra, còn tiết kiệm được 400 triệu đồng để góp vào các công xưởng và nông trường.

Năm ngoái, toàn thể quan và binh đã tiết kiệm được 30 triệu kilô gạo, 21 triệu kilô thóc nuôi ngựa, 2 triệu 77 vạn bộ quần áo và 5 vạn tấn than.

Đồng chí Trần Đức Ân trước kia đi ở chăn trâu, chỉ được đi học hai năm, nay là một đoàn viên Đoàn thanh niên cộng sản, làm anh nuôi ở một trung đội Giải phóng quân. Đồng chí Ân mới lập một chiến công rực rỡ trong thời kỳ hòa bình. Câu chuyện như sau:

Theo tiêu chuẩn, mùa đông mỗi ngày mỗi người trong bộ đội được 28 lạng than. Mùa đông qua, trung đội của đồng chí Ân thường đốt than quá tiêu chuẩn, vì vậy phải chi tiền than lấn vào tiền mua rau, ảnh hưởng không tốt đến thức ăn của đơn vị.

Chính trong lúc đó, một đơn vị bạn đắp lò bếp theo cách móng ngựa, mỗi ngày chỉ tốn chín lạng than. Đồng chí Ân bắt chước làm, nhưng thất bại, bị trưởng ban bếp trách móc: “Nếu cơm sống hoặc cơm trễ thì đồng chí phải phụ trách!”.

Nhưng Ân không nản lòng. Chờ dọn xong cơm tối, Ân lại hì hục sửa lò đến quá 12 giờ khuya, hai giờ sáng lại phải dậy nấu cơm. Làm như thế suốt 4 hôm. Hôm thứ năm bắt đầu có kết quả: than giảm xuống 12 lạng. Ân tiếp tục sửa, than lại giảm xuống non bảy lạng.

Ân đề nghị tìm cách giảm nữa, nhưng một số đồng đội không tin tưởng, không tán thành.

Đồng chí chủ nhiệm chính trị giải thích: nếu giảm được nữa thì về mặt kinh tế sẽ thêm tiền mua thức ăn cho trung đội; về mặt chính trị, sẽ dành được nhiều than cho công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội...

Cả đơn vị nhiệt liệt ủng hộ ý kiến của đồng chí chủ nhiệm và giúp đỡ đồng chí Ân tiếp tục thử; kết quả đã giảm than được 92%, mỗi ngày mỗi xuất chỉ tốn hai lạng ba.

Tôi nhắc lại chuyện này để chứng tỏ hai điều: một là bất kỳ việc gì cũng cần tư tưởng chính trị đúng làm chủ chốt, hai là nếu có chí tìm tòi học hỏi thì ai cũng có thể cải tiến kỹ thuật.

Tôi trở lại nói những kinh nghiệm sản xuất và tiết kiệm của Giải phóng quân.

Từ năm 1954 đến năm 1957, các đơn vị đã mua công trái vượt mức 67%.

Trong cuộc Chỉnh phong, bộ đội cũng phát động quần chúng, tìm nguyên nhân, tìm biện pháp, nêu sự thật, thảo luận, so sánh, thi đua, trao đổi và tổng kết kinh nghiệm. Mỗi cá nhân, mỗi đơn vị, mỗi ngành đều tự đặt lấy kế hoạch của mình để tiến bộ nhảy vọt, để thực hiện “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Đến cuối tháng 3-1958, toàn quân đã ra hơn 16 triệu tờ báo chữ to. Kết quả đầu tiên là: chi phí quốc phòng từ chỗ hơn 18% tổng ngân sách năm 1957 đã giảm xuống 15% trong năm 1958. Hậu cần sẽ tiết kiệm các khoản chi phí và vật tư 8%.

Không thêm số người và không thêm chi phí, đơn vị đường sắn năm nay sẽ tăng công tác 60%, sẽ tự túc và cố gắng nộp lên Nhà nước một số tiền lãi.

Nhiều đơn vị sẽ hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện trước kỳ hạn hai tháng hoặc tăng thêm khoa dạy và học.

Các cơ quan và các trường học quân sự giảm 50% đến 70% nhân viên, mà vẫn không ảnh hưởng đến công tác.

Các tổ chức liên hợp lại và công tác chung, kết quả cũng rất tốt. Như bộ đội ở Hà Bắc đã liên hợp năm nhà thương và bốn trạm khám bệnh, bốn nhà in, 13 tổ chiếu bóng. Do đó mà tiết kiệm được nhiều người và nhiều tiền.

Nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp đã xuống phụ trách một tiểu đội hoặc tạm làm một người lính để làm thí điểm.

Có nhiều đơn vị, quan và binh cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, do đó mà tình đoàn kết chặt chẽ thêm.

Nhiều chiến sĩ tự động xin giảm mức cung cấp của mình. Các phòng ăn và các kho lương thực không để lãng phí một hột cơm, một lá rau.

Trước Tết Mậu Tuất, bộ đội ở Bắc Kinh đã giúp nông dân ngoại ô làm thủy nông. Các vị lãnh đạo như thượng tướng Hứa Thế Hữu, đại tướng Vương Thu Thanh, trung tướng Liêu Vong Đông,... đều tham gia lao động. Bộ đội vừa làm vừa hát:

“Rét 20 độ là thường

Tuyết dày ba thước ta càng làm hăng”.

Trong 20 hôm, bộ đội đã đào được 25.000 thước khối đất và đá để làm quà năm mới cho các hợp tác xã nông nghiệp.

Năm nay toàn quân sẽ giúp các hợp tác xã nông nghiệp hơn 30 triệu ngày công.

Lấy đơn vị đóng ở Bắc Kinh làm thí dụ (tóm tắt báo cáo của đồng chí tư lệnh). Trong cuộc chỉnh phong, bộ đội đã ra hơn 12 triệu tờ báo chữ to, tư tưởng chính trị đã được nâng cao nhiều và có những thành tích như sau:

Kế hoạch huấn luyện cả năm sẽ hoàn thành sớm hơn hai tháng.

Kế hoạch xây dựng đảm bảo không thêm người, không thêm tiền, giữ đúng chất lượng; sẽ tiết kiệm chi phí 31,7% và hoàn thành trước thời hạn 30 đến 80 ngày.

Sản xuất và tiết kiệm, dưới nguyên tắc không ảnh hưởng đến huấn luyện, công tác và mức sinh hoạt của bộ đội, so với năm ngoái thì dự toán năm nay đã giảm được 25%, trong dự toán năm nay còn tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng nhân dân tệ. Các trường học quân sự đều tiết kiệm kinh phí. Như trường dạy lái và sửa xe hơi “Đại đồng” đã kết hợp học tập với sản xuất, như vậy đã lợi cho việc vận tải và sửa xe của địa phương, lại làm cho nhà trường tự cấp tự túc, mỗi năm còn nộp vào công quỹ hơn hai vạn đồng.

Quân nhu, dùng phương pháp không lĩnh thêm hoặc lĩnh rất ít, và kéo dài thời gian dùng các thứ, sẽ tiết kiệm hơn bảy triệu đồng...

Mấy việc đó đã đánh tan tư tưởng bảo thủ cho rằng quân đội đã có tiêu chuẩn cung cấp nhất định, không thể tiết kiệm được nữa.

Để giảm bớt gánh vác cho Nhà nước, giảm bớt sự cung cấp cho chợ búa địa phương và đồng thời bộ đội được rèn luyện về lao động, các đơn vị đều nuôi lợn và trồng rau để tự túc cả năm.

Bộ đội đã xây dựng một nông trường 2.000 mẫu. Nông trường này Nhà nước không tốn một đồng nào, sẽ làm nơi sản xuất cho cán bộ ra ngoài biên chế và gia đình họ.

Các cơ quan đã giảm bớt 50% nhân viên. Những cán bộ về nông thôn hoặc lên miền núi tham gia sản xuất đều có tinh thần cách mạng rất cao. Họ nói:

“Để giữ nước, ta vào bộ đội,

Xây dựng nước, ta làm người nông,

Quyết biến đất hoang thành kho thóc,

Hòa bình ta cũng lập chiến công”.

Trừ những hoàn cảnh rất đặc biệt như ốm đau, thai nghén, tất cả các gia đình quân nhân đều tình nguyện về nông thôn làm ruộng hoặc tham gia lao động sản xuất ở địa phương.

Số đông quân quan từ cấp đoàn trở xuống đều thực hiện năm cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng học tập, cùng vui chơi với chiến sĩ; do đó, quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ càng thêm gắn bó. Các chiến sĩ nói:

“Tác phong cán bộ thay đổi hẳn,

Kết quả chỉnh phong thật là to,

Lính chưa yên giấc, quan không ngủ,

Lính chưa ăn, quan không nỡ no...”.

Bộ đội tham gia xây dựng kinh tế. Hiện nay (tháng 5, tháng 6) nhiều đơn vị và trường học đang tham gia xây dựng thủy nông. Trong năm nay các đơn vị sẽ góp 15 đến 20 ngày công để giúp các hợp tác xã nông nghiệp gần nơi đóng quân. Cho đến hạ tuần tháng 4, bộ đội ở khu Bắc Kinh đã góp một triệu hai mươi vạn ngày công, làm được hơn hai triệu thước khối đất và đá; đã trữ hơn 40 triệu gánh phân, trồng hơn hai triệu hai mươi vạn cây... Họ cho rằng, lao động cũng phải khẩn trương như chiến đấu, cũng phải vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ. Do đó, cảm tình nông dân đối với bộ đội càng thêm mật thiết; họ đã tặng bộ đội lá cờ thêu:

“Quân cùng dân tương thân tương ái,

Tình ruột thịt như đại hải không bến bờ,

Cùng dân chống hạn, làm mùa,

Ơn sâu, nghĩa nặng, đến bao giờ cũng không phai”.

Tư tưởng, đạt được thành tích trên đây là nhờ chỉnh phong đã nâng cao tư tưởng của bộ đội, một số ít cán bộ trước đây thường so sánh quân hàm, địa vị, hưởng thụ,...; nay thì họ so sánh cố gắng, tiến bộ, hăng làm. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã thay thế cho tư tưởng tư sản. Nạn quan liêu và chủ quan đã được tẩy rửa và những khẩu hiệu “năm và ba” được thực hiện, năm là năm cùng, năm tốt, năm đến. Ba là ba không, ba nhanh.

Năm tốt là: học tập tốt, giữ gìn vũ khí tốt, lao động tốt, thân thể tốt, sản xuất và tiết kiệm tốt.

Năm đến là: đầu óc nghĩ đến, mắt nhìn đến, miệng nói đến, tay làm đến, chân đi đến.

Ba không là: không ngồi im ở cơ quan lãnh đạo, không ăn nơi nhà ăn riêng của quân quan, không ở nơi nhà ở riêng quân quan.

Ba nhanh là: phát hiện nhanh và học tập nhanh, phổ biến và áp dụng nhanh những kinh nghiệm tốt.

Cấp lãnh đạo sửa đổi tác phong đã khuyến khích chiến sĩ cùng tiến bộ. Họ nói:

“Tập luyện không ngại mưa gió, tối đêm,

Đâu đâu cũng tập luyện được, học thêm, học hoài,

Thi đua ra sức, ra tài,

Trong tiến bộ nhảy vọt, xem ai anh hùng”.

Thực hiện đường lối “Cần kiệm để xây dựng quân đội” và “xây dựng quân đội một cách nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Hiện nay đang phát triển một cuộc vận động rộng rãi nhằm cải tiến phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng huấn luyện. Nhiều chiến sĩ và cán bộ có những phát minh và sáng tạo rất hay. Thí dụ: một đồng chí đã tìm ra cách dùng những ác quy cũ, chỉ tốn 30 đồng thiết bị, ác quy cũ vẫn phát điện được 2.000 giờ đồng hồ. Một đồng chí khác sau hai tháng tìm tòi đã sửa cách cung cấp hơi nước ấm cho nhà thương, mỗi ngày tiết kiệm được bốn tấn than, 75 tấn nước và bốn nhân công; và trước kia phải 70 phút hơi nóng mới lên 15 độ, nay chỉ 20 phút, hơi nóng đã lên đến 19 độ. Còn nhiều phát minh khác nữa.

Trung tuần tháng 6, hơn 230 “nhà phát minh” của bộ đội ở Bắc Kinh đã khai hội để trao đổi và phổ biến kinh nghiệm 800 thứ sáng tạo mới. Nói tóm lại: lãnh đạo đúng đắn, chính trị làm chủ, tư tưởng đi trước, dựa vào quần chúng - Đó là phương pháp xây dựng và củng cố quân đội cách mạng của nhân dân.

Bây giờ tôi nói sang đơn vị nông binh ở Cô Bê (Tân Cương).

Cô Bê là vùng sa mạc mông mênh. Hàng trăm cây số không có cây cỏ, không có suối nước. Mùa đông thì rét như cắt. Mùa hè thì nắng như thiêu. Từ xưa, đó là một nơi ít ai dám đi đến.

Trong thời kỳ kế hoạch năm năm thứ nhất, các đơn vị nông binh Trung Quốc đã biến dần vùng hoang vu ấy thành những ruộng đất phì nhiêu. Họ đã vỡ được hơn 1.050.000 mẫu lập thành 44 nông trường trồng trọt, 16 trường chăn nuôi, 100 nhà máy nông nghiệp to và nhỏ. Họ đã sản xuất 12.198.000 gánh lương thực, 768.000 gánh bông,…

Thành tích như vậy không phải là ít. Nhưng trong cuộc chỉnh phong, các đồng chí nông binh thấy mình còn nhược điểm và cần phải cố gắng tiến lên nữa.

Dưới ánh sáng chỉnh phong, mọi người đều thấm nhuần ý nghĩa chống bảo thủ, chống lãng phí, sửa lề lối làm việc, cần kiệm xây dựng nông trường. Nhờ vậy, nhiều vấn đề trước kia không giải quyết được nay đều giải quyết được dễ dàng; những lực lượng tiềm tàng trước kia không biết dùng, nay đều biết dùng cả.

Thực hiện đường lối điều tra, nghiên cứu kỹ càng, ra sức dùng nguyên liệu, vật liệu địa phương sẵn có, học tập kinh nghiệm tiên tiến, thực hiện “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Trước hết, họ đã giảm nhẹ các cơ quan, hơn 22.000 người được đưa sang trực tiếp sản xuất. Việc đó đã làm cho các chiến sĩ thêm hăng hái và viết báo chữ to khen ngợi:

“Nếu lãnh đạo không hít ba cân đất,

Thì kế hoạch chỉ nằm trên giấy tờ”.

Kế hoạch năm năm lần thứ hai định vỡ thêm một triệu mẫu đất. Nay định không thêm người, không thêm vốn, mà vỡ thêm một triệu tám đến hai triệu mẫu; sẽ mở thêm ba căn cứ chăn nuôi, trồng bông, trồng mía làm đường… (từ năm 1962 trở đi, mỗi năm sẽ sản xuất 70.000 tấn đường).

Trước kia, vỡ một mẫu đất hoang tốn hết 110 đồng, nay chỉ tốn 50 đồng.

Trước kia, đào một con kênh lớn, tốn hết 6.400.000 đồng, nay đào một con kênh mới cũng dài và lớn như vậy chỉ tốn 700.000 đồng.

So với năm ngoái, năm nay sản lượng lương thực sẽ tăng 65%, bông sẽ tăng 32%...

Thế là chỉnh phong đã giúp đơn vị nông binh Cô Bê tư tưởng thêm sáng suốt, đã tiến bộ nhảy vọt. Không cần thêm một người, không tốn thêm một đồng mà lượng công tác thì tăng gấp bội.

Các đội nông binh ở các vùng khác cũng đều tiến bộ như vậy.

Thương binh và bộ đội phục viên:

Trong phong trào tiến bộ nhảy vọt, anh em thương binh và bộ đội phục viên Trung Quốc cũng hăng hái tham gia. Họ giữ vững và phát triển truyền thống đấu tranh anh dũng và chí khí xung phong trong mọi việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về mặt tư tưởng cũng như về mặt công tác, họ trở nên những anh hùng và chiến sĩ lần thứ hai. Ví dụ:

- Về nông nghiệp:

Ở Thành Quan (Hà Bắc) có 132 anh em phục viên, trong đợt chống hạn, chỉ một ngày một đêm, họ đã đào được 135 cái giếng đất và giếng đá.

Ở Hà Khúc (Sơn Tây) hơn 1.000 anh em phục viên đã tổ chức những đội đột kích, những đội chiến đấu, phụ trách những công việc khó khăn và nặng nhọc nhất trong các hợp tác xã nông nghiệp, 92% đã được bầu làm chiến sĩ thi đua.

Ở Phục Ninh (Hà Bắc) lúc làm thuỷ nông, cần phải đào một cái rãnh xuyên qua núi. Theo kế hoạch thì phải bảy ngày mới đào được. Đội xung phong của anh em phục viên chỉ đào một ngày một đêm thì xong.

Hợp tác xã Du Phong (Hà Bắc) cần đào một con mương dài hai cây số, rộng một thước. Kế hoạch định phải làm 250 ngày, đội đột kích làm xong trong 100 ngày.

Ở huyện Quang Hoá (Hà Bắc), 2.400 anh em phục viên tổ chức 700 đội đột kích, hợp tác xã nông nghiệp nào cũng có một đội đột kích tham gia, đội sản xuất nào cũng có một tổ đột kích. Các đội đột kích đã trở nên một lực lượng to lớn trong phong trào tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm ở nông thôn.

- Về công nghiệp:

Trong công việc lắp cầu sắt của công ty sắt Bảo Dầu, tổ phục viên đã tăng năng suất gấp 13 lần.

Tại xưởng đúc máy ở Trầm Dương, anh em phục viên đã phát động thi đua giữa người này với người khác, giữa tổ này với tổ khác. Kết quả thi đua rất tốt, như tổ đồng chí Tân Tùng - tiện trong 12 ngày làm xong nhiệm vụ của năm tháng. Đồng chí Vương Thuận đã có hai đề nghị hợp lý hóa, tiết kiệm cho Nhà nước hơn 6.300 đồng nhân dân tệ (9.450.000 đồng tiền ta).

Nhà máy luyện kim Hoa Bắc cần sửa đổi một máy điện. Theo kế hoạch thì phải tốn 17.000 đồng và thời gian phải sáu tháng, một tổ anh em phục viên 17 người đã làm xong trong 45 ngày và chỉ tốn 7.000 đồng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở các xưởng tại 26 huyện và thị xã, anh em phục viên đã phát minh và sáng tạo hơn 100 thứ dụng cụ và máy móc mới. Như đồng chí Lý Bính Bích ở Nam Trình (Sơn Tây), từ bé chưa bao giờ đi học, nhưng vì chịu khó tìm tòi, đã chế tạo ra năm loại xe tát nước, đã tự tay, lắp một trạm điện nhỏ.

Ở nhà máy thu thanh, đồng chí Thôi Giác Dân đã tăng năng suất 300% và giúp những công nhân lạc hậu tăng năng suất gấp đôi.

Ở huyện Hồ Quang, 786 đồng chí bộ đội phục viên được quần chúng tin cậy và gọi là “chuyên gia”.

Nhiều nơi, anh em phục viên, thương binh, và gia đình liệt sĩ tổ chức hội “đẩy mạnh chủ nghĩa xã hội”. Họ phát động mọi người tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, đề xướng một người cố gắng làm việc bằng hai người, quyết tâm trở nên những chiến sĩ cách mạng tiên tiến, những người tích cực về tư tưởng cũng như về công tác.

Hồi trung tuần tháng 6 ở Bắc Kinh hơn 4.000 đại biểu anh em phục viên khai đại hội “Cải tiến kỹ thuật và trao đổi kinh nghiệm tiên tiến” đã tuyên thệ trước Đảng:

“Trong cuộc cách mạng kỹ thuật và cách mạng văn hóa, toàn thể bộ đội phục viên xin thề quyết tâm xoá bỏ mê tín, giải phóng tư tưởng, không sợ khó khăn, ra sức công tác - để trở nên đội xung phong, phất cao ngọn cờ Tổng lộ tuyến của Đảng, đưa hết tinh thần và lực lượng của mình để xây dựng Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Sẵn đây, tôi muốn nói thêm để giúp một cách thiết thực công cuộc xây dựng nước nhà tiến lên chủ nghĩa xã hội, từ tháng 11-1957 đến tháng 1-1958, đã có hơn 600.000 gia quyến (cha mẹ, vợ con) của bộ đội đã tự động về sản xuất ở nông thôn. Họ rất hăng hái và được quần chúng ngợi khen.

Kết luận: Nếu đồng bào Việt Nam ta cố gắng học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt, thì những việc anh em công nông, binh Trung Quốc làm được, chúng ta nhất định cũng làm được.

TRẦN LỰC

-------------------------------

Báo Nhân Dân, số 1591, 1593, 1594, ngày 21, 23, 24-7-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.