“Sư đoàn không vận” gồm có 15.000 binh sĩ, 450 máy bay lên thẳng, các thứ tên lửa và súng ống tốt nhất, v.v.. Nó là thứ quân đội mới nhất và mạnh nhất trên thế giới, v.v. và v.v..
Nó có nhiệm vụ nuốt chửng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam. Ghê chưa!
Nhưng nó đã bị mắc cổ. Như trong trận Plâyme hồi tháng 11-1965, bộ phận của sư đoàn này đã bị Quân giải phóng giáng cho những vố liểng xiểng. Hơn 1.700 tên Mỹ đã bị tiêu diệt. Hãng AFP cũng nhận rằng hơn 40% lính Mỹ tại trận đã chết hoặc bị thương.
Các báo Mỹ mô tả như sau tình hình bi thảm của những tên Mỹ sống sót: Bọn họ đều có vẻ ngơ ngác, thất vọng, lừ đừ, hoảng hốt. Tên nào cũng râu ria bù xù, áo quần rách bẩn. Họ nói Việt cộng bắn họ từ ba bề bốn bên, từ trong bụi, từ trên cây, từ dưới đất, từ bên phải và bên trái, từ phía trước và phía sau... Thây lính Mỹ nằm ngổn ngang. Những tên bị thương kêu khóc, la hét om sòm, vì đau đớn và sợ hãi... Đại tá Môơ, chỉ huy tiểu đoàn số 7, khóc sướt mướt, vì lính của y chết gần hết trên sườn đồi...
Tướng Vétmòlên[1] cũng phải nhận rằng trong trận này “lính Mỹ chết và bị thương nhiều hơn bất kỳ trận nào trước đây”. Nhưng y lại “cười một cách hồ hởi khi kiểm điểm lại trận đánh và cho rằng đó là một thắng lợi chưa từng có” (Báo Mặt trời Bantimo, 21-11-1965).
Có hai điều đáng chú ý:
- Lính Mỹ được trang bị rất đầy đủ, chúng có cả kẹo cao su để nhai cho ngọt miệng. Nhưng chúng thiếu một thứ vũ khí quan trọng nhất, chúng thiếu tinh thần. Lúc đầu, chúng hùng hổ lắm. Chúng gọi chiến sĩ ta là “gà con”. Chúng tự xưng là “chim cắt”, vì chúng to xác và cũng ngụ ý là chim cắt thắng gà con dễ như chơi.
Sau mấy trận bị chiến sĩ “gà con” đánh cho liểng xiểng, thì thói huênh hoang của “chim cắt” đã biến thành lòng hãi hùng. Trước hết, chúng sợ ông du kích và ông giải phóng vì họ đánh ghê quá. Chúng sợ cả cụ già, em bé Việt Nam, vì họ đều là “Việt cộng”. Rồi chúng sợ chông, sợ nỏ, sợ rắn, sợ ong, sợ mưa, sợ nắng...
Chúng cũng rất sợ ông muỗi anôphen. Theo Hãng UPI thì cuối tháng 11-1965, đã có hơn 1.000 lính Mỹ bị sốt rét rừng quật ngã.
Số lính ốm và bị thương tăng nhanh đến mức Mỹ phải vội vã mở thêm nhiều y viện cấp cứu ở Nhật Bản và ở Philíppin.
Xác lính Mỹ thì trở về Hoa Kỳ. Đội “đăng ký mồ mả lính” của lục quân Mỹ làm việc rất bận rộn. Đúng như nghị sĩ Moxơ nói: Càng nhiều lính Mỹ sang Việt Nam, thì càng nhiều áo quan trở về Mỹ.
Để bù vào số lính chết và bị thương nhiều quá, hiện nay Chính phủ Mỹ đã bắt lính cả những thanh niên nước ngoài trú ở Mỹ, cả những thanh niên Mỹ mới cưới vợ, mà pháp luật cho miễn đi lính, cả những người không đủ tiêu chuẩn vì sức khoẻ kém hoặc có bệnh thần kinh. Có kẻ đã đề nghị thả bọn tội phạm đang ở tù và cho chúng đi lính sang Việt Nam!
Hiện nay đang có phong trào thanh niên và học sinh Mỹ kịch liệt chống bắt lính.
Nghị sĩ Gruninh nói: “Lính Mỹ đi chết không phải vì đất nước Hoa Kỳ, mà vì sự ngu xuẩn của người khác”.
- Bọn tướng lĩnh Mỹ có tài nói bại trận thành thắng trận.
Ví dụ: Hôm 17-9-1965, Bộ tư lệnh không quân Mỹ công bố rằng: Từ tháng 2-1965 đến hôm đó ở miền Bắc, Mỹ chỉ mất 100 máy bay bị bắn rơi. Sự thật thì ta đã bắn tan xác 567 chiếc máy bay Mỹ. Từ hôm 18-11-1965, thì chúng câm họng không công bố số máy bay bị ta bắn rơi nữa.
Lại như trong trận Plâyme, Chưpông, Iađrăng, 1.700 tên Mỹ bị tiêu diệt. Nhưng Mỹ thì nói chỉ có 248 tên chết và 527 tên bị thương.
Nhưng giấu đầu lại hở đuôi, chúng cũng phải nhận rằng số lính Mỹ chết trong một tuần (14 đến 20-11-1965) đã nhiều hơn số lính Mỹ chết trong cả bốn năm (1961 đến 1964) cộng lại.
Hồi tháng 11-1965, nghị sĩ Xtatơn đã nói rằng y “không tin số lính Mỹ chết và bị thương ít như Chính phủ đã công bố, mà chắc chắn rằng con số ấy cao hơn nhiều”.
Từ ngày bắt đầu xâm lược miền Nam nước ta, giặc Mỹ luôn luôn khoe khoang “thắng lợi”. Nhưng “thúng không úp được voi”. Thế giới đều biết rằng 4 phần 5 đất đai và 2 phần 3 nhân dân miền Nam đã được giải phóng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mặtnạmara[2] là trạng nói láo. Mùa Đông năm 1963, y nói: Cuối năm 1965, miền Nam sẽ “bình định” xong và lính Mỹ sẽ được về nước. Song cuối năm 1965, chẳng những lính Mỹ cũ không được về nước mẹ, mà số lính mới chở đến miền Nam đã tăng gấp mười mấy lần.
Hơn nữa, Mặtnạmara đã buộc phải thốt ra rằng: “Nhờ tăng thêm quân, Mỹ sẽ không thua nữa”. Thế là y đã thú nhận Mỹ đã thua, ta đã thắng.
CHIẾN SĨ
------------------------
- Báo Nhân Dân, số 4292, ngày 4-1-1966, tr.4.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.6-8.