Từ hôm 26-12-1955, Quốc hội Liên Xô (Xôviết tối cao) đang họp khóa thứ 4. Quốc hội gồm 1.347 đại biểu (280 phụ nữ) của Viện Liên bang và Viện Dân tộc. Khóa họp này sẽ bàn 4 vấn đề:

- Báo cáo ngân sách.

- Thông qua những đạo luật mới.

- Việc trao đổi các phái đoàn giữa Liên Xô với các nước ngoài.

- Việc hai lãnh tụ Liên Xô đã đi thăm ba nước Ấn, Diến, Áp[1].

Bài này chỉ tóm tắt mấy điểm chính về ngân sách Liên Xô.

Tổng ngân sách năm 1956, thu: 59 vạn 1.900 triệu rúp; chi: 56 vạn 8.800 triệu rúp; dư: 2 vạn 3.100 triệu rúp.

Ngân sách quân sự: năm 1955 là 11 vạn 2.000 triệu rúp. Năm 1956 là 10 vạn 2.500 triệu rúp, tức là giảm bớt 1 phần 10, và bằng non 1 phần 5 tổng ngân sách.

Trong lúc đó, ngân sách quân sự Mỹ và năm 1956 sẽ tăng thêm 1.000 triệu đôla, tức là nhiều hơn ngân sách quân sự Liên Xô 1 vạn triệu đôla, và chiếm hơn 50% tổng ngân sách Mỹ. Điều đó lại chứng tỏ: Liên Xô thực hành giảm bớt binh bị, Mỹ thì tiếp tục tăng thêm binh bị.

Năm 1956, Liên Xô sẽ chi vào công nghiệp nặng 9 vạn 6.000 triệu rúp. Sẽ lập thêm 2 xưởng to sản xuất nguyên tử để dùng vào việc xây dựng hòa bình. So với năm 1954 thì năm nay năng suất lao động tăng 12%, giá thành giảm được nhiều, cho nên giá sinh hoạt càng rẻ.

Sẽ chi vào nông nghiệp 2 vạn 1.000 triệu. 2 năm nay, diện tích trồng trọt đã tăng thêm 28 triệu mẫu tây.

Về hành chính sẽ biên chế bớt rất nhiều, để đưa thêm sức lao động vào công việc sản xuất.

So với năm 1940, thì văn hóa, giáo dục tăng gấp 3 lần. Số học sinh các trường cao đẳng là 1 triệu 86 vạn 5.000 người. Ngoài ra, có 72 vạn người vừa làm việc vừa học lớp cao đẳng.

Chỉ mấy điểm trên đủ chứng tỏ rằng nhân dân Liên Xô đang tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản với đời sống sung sướng, vui tươi, đồng thời, đang soi đường cho nhân dân lao động thế giới cách xây dựng một đời sống mới.

Hoan hô Quốc hội Liên Xô!

C.B.

------------

Báo Nhân Dân, số 667, ngày 31-12-1955, tr.2.

[1]. Ấn Độ, Diến Điện, Ápganistăng (B.T).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.