Quốc hội ta do toàn dân tự do bầu cử, là đại biểu chân chính của nhân dân cả nước từ Bắc đến Nam.

Trong những năm chiến tranh chống xâm lược, Quốc hội ta đã sát cánh với Chính phủ và nhân dân chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, dũng cảm hy sinh, đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi.

Nay trong hoàn cảnh hòa bình, trước tình hình mới và nhiệm vụ mới, Quốc hội ta lại cùng nhân dân và Chính phủ khắc phục những khó khăn mới, phát triển những thuận lợi mới, để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Quốc hội ta vẻ vang như vậy. Còn cái gọi là “Quốc hội lâm thời” mà bọn Ngô Đình Diệm sắp bày trò ở miền Nam là thế nào?

Nghe nói nó sẽ có 247 người, trong đó:

60 người do các đoàn thể và tôn giáo lựa chọn. Tức là đại biểu riêng của các nhóm, chứ không phải đại biểu lợi ích chung của nhân dân.

88 người do Ngô Đình Diệm chỉ định. Tức là bà con, bè bạn, dòng họ, vây cánh của Diệm.

99 người thì bầu cử. Bầu cử thế nào? Thậm chí các báo Sài Gòn cũng tỏ ra bất mãn với cách “bầu cử” của Diệm. Thí dụ vùng Sài Gòn - Chợ Lớn có 2 triệu nhân dân, mà chỉ được 7 “đại biểu”, 7 người này là do 40 người hội đồng thành phố cử ra. Thế là trong số 2 triệu nhân dân chỉ có 40 người được quyền bầu cử.

Đó là “dân chủ” kiểu Mỹ - Diệm. Chắc chắn, đồng bào miền Nam sẽ hết sức phản đối cái trò hề quỷ quái ấy.

*
*    *

Quốc hội ta một lòng, một chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cho nên được Tổ quốc ghi công, nhân dân ủng hộ và nhiệt liệt chúc khóa họp thứ tư của Quốc hội thành công vẻ vang.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 385, ngày 22-3-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.378-379.


Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.