Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thành lập. Chính phủ ta đang chân ướt chân ráo. Nạn đói khủng khiếp do Nhật và Tây gây ra, đang hoành hành. Ở miền Nam, đế quốc Anh đang giúp thực dân Pháp đánh nhau với ta. Ở miền Bắc thì quân Tưởng Giới Thạch ra sức giúp bọn Quốc dân Đảng Việt Nam quấy rối... Hồi đó, có người nói: Nhân dân ta trình độ còn kém, không nên vội tổ chức tổng tuyển cử. Nhưng Đảng ta kiên quyết nói: Đồng bào ta phải được hưởng quyền dân chủ, chúng ta phải tổ chức tổng tuyển cử.

Đảng đã làm đúng. Khắp cả nước từ Bắc đến Nam, đồng bào đã sôi nổi tham gia tổng tuyển cử. Trong vùng tạm bị chiếm ở miền Nam, mặc dù giặc khủng bố ráo riết, đồng bào ta vẫn hăng hái tham gia bầu cử. Nhiều đảng viên và cán bộ vì hoạt động cho cuộc bầu cử mà đã bị giặc bắt bớ, bắn giết.

Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Quốc hội khóa I - đã được toàn dân bầu ra. Những việc quan trọng nhất Quốc hội đã làm là: tuyên bố kháng chiến cứu nước, thông qua Luật Cải cách ruộng đất, thông qua Hiến pháp mới.

Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, thực dân Pháp đã đưa nước ta dâng cho Nhật. Sau cuộc kháng chiến, Pháp lại tình nguyện để cho Mỹ hất cẳng chúng ra khỏi miền Nam và đã trốn tránh trách nhiệm họ đã cam kết trong Hiệp định Giơnevơ. Đế quốc Mỹ tạm thời thực hiện được âm mưu cướp nước và Ngô Đình Diệm đã tạm thời thực hiện được âm mưu bán nước. Vì Mỹ - Diệm và Pháp mà năm 1956 không có cuộc tổng tuyển cử tự do ở Việt Nam. Vì Mỹ - Diệm và Pháp mà trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khóa II của ta, đồng bào miền Nam chỉ có thể tham gia bằng tinh thần.

Cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khóa II là một thắng lợi rất to lớn của nhân dân ta. Khắp miền Bắc, bình quân hơn 97% cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Nơi dân cư thưa thớt và giao thông khó khăn nhất (như Hà Giang) số phiếu cũng đạt gần 93%. Một phần tư trong số 22.530 khu vực bỏ phiếu, 100% cử tri đã tham gia bầu cử.

Điều đó chứng tỏ trình độ chính trị cao của đồng bào ta.

Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ của 91 vị đại biểu do đồng bào miền Nam bầu cử trong khóa I. Có 34 đồng bào miền Nam tập kết đã được bầu trong khóa này.

Điều đó chứng tỏ tinh thần đoàn kết và quyết tâm thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Trong 362 đại biểu mới, có:

50 công nhân

46 nông dân

20 quân nhân

65 lao động trí óc

56 đại biểu đồng bào miền núi

49 phụ nữ

40 thanh niên

78 vị là anh hùng quân đội, anh hùng và chiến sĩ lao động

2 vị đại biểu đạo Phật

14 vị linh mục và đại biểu Công giáo.

Không có Quốc hội một nước tư bản nào được nhân dân tín nhiệm với số phiếu cao như vậy; tỏ rõ sự đoàn kết, bình đẳng và bao gồm những thành phần thật sự đại biểu cho đại đa số nhân dân như vậy. Không cần so sánh với những cuộc "tuyển cử" gian lận của bọn Mỹ - Diệm, chúng ta hãy lấy Quốc hội Pháp làm ví dụ. Vì luật tuyển cử không dân chủ và không bình đẳng, mà trong Quốc hội Pháp hiện nay:

1 nghị sĩ của Đảng Liên minh Cộng hòa mới1 chỉ đại biểu cho 19.068 cử tri,

1 nghị sĩ Phong trào Cộng hòa bình dân (MRP)2 đại biểu cho 46.938 cử tri,

1 nghị sĩ Đảng Cộng sản thì đại biểu cho 388.220 cử tri.

Quốc hội khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Vì vậy, để xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân, nhiệm vụ của mỗi vị đại biểu là phải:

- Thực hành cần kiệm liêm chính, chí công vô tư,

- Một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội,

- Làm gương mẫu trong việc thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

Nói tóm lại, phải lấy việc làm thực tế mà hướng dẫn nhân dân ta xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

T.L.

-------------------

- Báo Nhân Dân, số 2304, ngày 10-7-1960, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.622-624.

1. Đảng cầm chính quyền hiện nay (TG).

2. Đại biểu cho tư sản (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.