Quỹ đen! Cái thứ quỹ quái ác kia, cứ tưởng là nó đã chết từ lâu rồi ai ngờ nó vẫn sống đàng hoàng mấy năm nay ở một số địa phương. Gần đây, tỉnh Hải Dương đã lôi cổ nó ra ánh sáng. Huyện nào cũng có quỹ đen. Một số cơ quan cũng có quỹ đen.

Quỹ đen là gì? Đó là một thứ quỹ riêng nằm ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước: Thu thì dùng cách tiêu ít khai nhiều để cắt xén quỹ công. Chi thì lu bù, ù xọe. Quả là một lối làm không sáng sủa - đúng như tên gọi của nó là "quỹ đen"! Nhưng vì sao nó vẫn sống đàng hoàng, thoải mái, dưới sự "bảo trợ" của cả một số cơ quan lãnh đạo ở địa phương? Vì một số cán bộ ta đến nay vẫn giữ nếp làm việc theo lối gia đình. Họ nói bằng giọng người làm chủ: "Việc nhà cả! Quỹ đen hay quỹ trắng đều dùng cho công việc chung cả, có mất đi đâu mà sợ!". Nhưng hình như theo ý họ, thì "có quỹ đen, mọi việc mới trôi chảy, còn các thể lệ, chế độ chi tiêu của Nhà nước chỉ là những sợi dây ràng buộc khó chịu"(!).

Đúng, chế độ chi tiêu của Nhà nước là một sự "ràng buộc", nhưng đó là một sự ràng buộc rất cần thiết và rất hay. Nó ràng buộc những kẻ phung phí, những người thích phô trương. Nó ràng buộc cả những người chỉ biết việc trước mắt mà không thấy việc lâu dài, chỉ biết việc của bộ phận mình mà không thấy việc chung của cả nước. Nhưng chính nhờ đó mà nó lại chặt xiềng, chắp cánh cho kinh tế nước ta tiến lên như ngựa thần trên con đường xã hội chủ nghĩa. Nó giúp chúng ta dành dụm từng đồng xu thành những số vốn lớn. Nó vít kín các lỗ thủng, các khe hở, không để của cải dành dụm của chúng ta bị hao hụt, phân tán. Như vậy mới dồn được phần lớn vốn của Nhà nước vào việc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.

Những người "bảo vệ quỹ đen" quả là những người phung phí của cải chung. Ở một huyện thuộc tỉnh Hải Dương, người ta tính ra rằng: Nếu căn cứ vào số tiền chi tiêu về các cuộc hội nghị trong sáu tháng đầu năm 1959, thì ngày nào cũng có 117 cán bộ xã lên họp ở huyện. Thật là một con số đáng sợ. Nhưng chung quanh mỗi quỹ đen, còn có biết bao nhiêu con số đáng sợ khác.

Chúng ta sẵn sàng xiết chặt thêm trăm nghìn sợi dây ràng buộc để tiêu diệt hẳn lối làm lộn xộn đó. Phải chặt chẽ hơn nữa trong việc dùng tiền dành dụm của chúng ta, để tiến nhanh tới cuộc sống no ấm đầy đủ cho mọi người.

C.K.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2152, ngày 8-2-1960, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.466-467.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.