Hạn, lụt, sâu là ba kẻ địch của nông dân ta.

Để chống hạn, thì ta ra sức đào kênh, xẻ mương, lấy nước vào ruộng.

Để chống lụt, thì ta ra sức đắp đê, giữ đê.

Để chống sâu, thì ta ra sức bắt sâu, trừ sâu.

Hiện nay, vài nơi đã chớm nở sâu cắn lúa. Đồng bào những nơi đó đã mở chiến dịch diệt sâu và đã thu được thành tích tốt, như:

- Ở Thái Nguyên, xã Tích Lương, trong 5 ngày đã bắt được 8 tạ sâu, cứu được 700 mẫu lúa. Mấy xã trong tỉnh đã bắt được 80 tạ sâu, cứu được 1.500 mẫu lúa.

- Ở Bắc Cạn trong 4 ngày, hơn 1.500 người đã bắt được 3 tạ sâu, cứu được lúa xung quanh thị xã.

- Ở Lạng Sơn, 26.900 người đã tham gia chiến dịch diệt sâu, cứu được 755 mẫu lúa, v.v..

Trong chiến dịch diệt sâu, nông dân là chủ lực. Nhưng các đoàn thể và chính quyền phải khéo động viên và khéo tổ chức, như vài nơi đã làm, thì các tầng lớp nhân dân khác (học sinh, bộ đội, công nhân, cán bộ và nhân viên các cơ quan, đồng bào công thương) đều hăng hái tham gia.

Ta mạnh thì địch phải yếu và ta sẽ thắng, địch sẽ thua, đó là lẽ tất nhiên. Ở những nơi có sâu, đồng bào nên kịp thời tổ chức lực lượng diệt sâu và trao đổi kinh nghiệm nơi này với nơi khác, thì sẽ thu được thành tích to hơn.

Hạn và lụt là "do Trời làm", mà nhân dân ta còn anh dũng chống lại và thắng Trời. Thì nhân dân ta quyết không lùi bước trước thứ sâu nhỏ mọn và nhất định tiêu diệt cho kỳ được lũ giặc sâu ấy!

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 596, ngày 20-10-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.165-166.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.