Thói thường, nhanh thì khó tốt, tốt thì khó rẻ! Nhưng đó chỉ là "thói thường" khi người lao động còn phải bán sức mình như một món hàng để kiếm sống. Đối với chúng ta, những người lao động đang làm chủ và xây dựng cuộc sống mới, thì NHIỀU, NHANH, TỐT, RẺ lại gắn bó với nhau như da với thịt.
Nếu làm nhiều, làm nhanh, làm tốt nhưng lại không rẻ - nghĩa là nếu phải dùng quá nhiều sức người, sức của - thì rốt cuộc vẫn không đạt được mục đích tăng nhanh mức sống của nhân dân và tăng nhanh tích lũy để xây dựng công nghiệp, mở mang kinh tế. Cho nên, chúng ta phải hết sức tiết kiệm sức người, sức của trong sản xuất và xây dựng.
Điều quan trọng trước hết vẫn là nâng cao năng suất lao động. Tăng năng suất là tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời gian lao động. Đó là cách làm vừa nhanh, vừa rẻ. Nhưng như thế chưa đủ, mà còn phải tính toán thật chi ly trong việc dùng nguyên liệu, vật liệu. Phải dùng nguyên liệu, vật liệu thật hợp lý và không để nhiều nguyên liệu, vật liệu bị loại bỏ. Mỗi người, mỗi đơn vị sản xuất phải luôn luôn tự đặt cho mình câu hỏi: Có thể dùng ít nguyên liệu, vật liệu hơn mà hàng vẫn tốt không? Có thể dùng những nguyên liệu tương đối rẻ thay thế những nguyên liệu tương đối đắt, hoặc dùng những thứ sẵn có ở gần để thay thế những thứ phải chở từ xa tới không? Có thể sửa đổi quy cách một số mặt hàng để tiết kiệm nguyên liệu hơn nữa không? (ví dụ chúng ta đã làm diêm que ngắn để tiết kiệm gỗ, dùng than xỉ để đúc bê tông, dùng tre thay gỗ để làm cốp pha, v.v.).
Tăng năng suất lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, quy đến cùng đều là tiết kiệm vốn. Nhưng còn một cách tiết kiệm vốn nữa mà công nhân ta còn ít nghĩ đến. Đó là việc làm cho vốn "quay vòng nhanh". Cái vòng quay ấy là như thế này: Bỏ vốn vào sản xuất - làm ra hàng hóa - bán hàng hóa, thu vốn về - lại bỏ vốn vào sản xuất. Biết làm cho vốn quay vòng nhanh, thì có ít vốn mà dùng được nhiều lần, nên sản xuất được nhiều. Cũng ví như người tướng giỏi, có ít quân mà khéo điều động nên đánh được nhiều trận. Công nhân ta thi đua cải tiến tổ chức, cải tiến kỹ thuật để rút ngắn thời gian sản xuất và cố gắng làm hàng cho tốt để bán ra được nhanh, thì sẽ trở thành những người tướng giỏi về mặt này.
Tăng năng suất lao động, tiết kiệm vốn, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, không những giảm được giá thành, mà còn dôi ra một số khá lớn sức người, sức của để sản xuất thêm nhiều hàng hóa, xây dựng thêm nhiều xí nghiệp mới. Thế là đã nhiều, nhanh lại rẻ. Và do rẻ, nên càng nhiều, nhanh.
C.K.
-----------------------
- Báo Nhân Dân, số 2184, ngày 11-3-1960, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.514-515.