Ở đời, đôi khi những việc rõ như ban ngày, nhưng vẫn có những người không thấy, không muốn thấy, hoặc giả vờ không thấy. Như chiến tranh và hoà bình ở Việt Nam là việc rõ như ban ngày: Giặc Mỹ là kẻ xâm lược; Việt Nam là bị xâm lược, phải chiến đấu đến cùng để tự vệ; Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược thì hòa bình sẽ trở lại ngay ở Việt Nam.

Vậy nhưng trên thế giới có những người “từ thiện” không phân biệt phải trái giữa kẻ đi xâm lược và người bị xâm lược. Họ bảo hai bên đều nên “nhân nhượng” và “đàm phán”. Thật là kỳ quái!

Vừa rồi, trong một bài viết về tình hình Việt Nam[1], Thái tử Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc đã nghiêm khắc lên án giặc Mỹ, nhiệt tình ủng hộ Việt Nam và phê phán những người “từ thiện” ấy.

Sau khi tỏ ý rất lo lắng rằng thế giới phương Tây, các nước “không liên kết” và cả Vaticăng chưa thấy hết sự nguy hiểm cho loài người, nếu cứ mặc nhận việc đế quốc Mỹ và lũ tay sai hoành hành đối với những nhà nước không mạnh bằng chúng và không vũ trang bằng chúng, Thái tử đã nêu một ví dụ rất rõ rệt, đại ý như sau:

“Nước Việt Nam như là một ngôi nhà. Nhân dân Việt Nam là người chủ nhà. Giặc Mỹ là lũ ăn cướp xông vào nhà người ta. Lũ cướp tự cho chúng có quyền chiếm lấy ngôi nhà, giải quyết mọi việc trong nhà, xử trí tính mạng của những người nhà; nếu họ chống cự thì chúng khủng bố, tra tấn, giết chết họ; chúng đập phá đồ đạc trong nhà và nếu cần thì chúng đốt cả nhà lẫn người nhà. Lũ cướp tự cho cái “quyền” đó, chỉ vì chủ nhà muốn sơn nhà mình bằng màu hồng hoặc màu đỏ; cái màu sắc mà lũ cướp xâm lược không ưa.

Trước sự kiện đó, thì xuất hiện những người “từ thiện” (như Liên hợp quốc, các chính phủ hoặc các quyền lực tôn giáo, tự xưng là những sứ giả hoà bình). Họ bảo người chủ nhà bị nạn rằng: Này bạn, chúng tôi thương hại anh. Song kẻ địch của anh cũng có lòng tốt. Anh xem, họ muốn hoà bình với anh. Với lòng nhân từ, họ bàn với anh chấm dứt chiến đấu và cùng họ thương lượng cách xử trí các việc trong nhà anh. Tốt nhất là anh đồng ý cùng họ chia của cải trong nhà anh và phân phối một cách công bằng những công việc, những trách nhiệm và những quyền hạn quản lý cái nhà của anh. Anh có thể bàn bạc với họ mà không cần đến vũ lực. Anh hãy thương lượng với họ một cách êm ái đi!

Chúng tôi biết rằng anh đòi các ông ấy trước hết phải ra khỏi nhà anh. Nhưng anh phải hiểu rằng các ông ấy không thể làm theo sự yêu cầu quá đáng của anh nếu không có cái gì bảo đảm, ví dụ anh hứa sẽ không sơn nhà anh với màu đỏ và sẽ không xây dựng gia đình anh quá đoàn kết, vì các ông ấy không thích những điều đó.

Đó là một hình ảnh hầu như khó tin, nhưng là hình ảnh thật sự của vấn đề Việt Nam.

Bất kỳ nước nào cũng không có những pháp luật và tập quán cho phép một sự “hoà giải” như thế và cho phép lũ ăn cướp “đàm phán” việc chấm dứt xâm lược, phân phối của cải, thậm chí định đoạt số phận của nạn nhân...”.

Trên đây là lược dịch lời ví dụ thiết thực của Thái tử Quốc trưởng Xihanúc. Thái tử kết luận rằng: Dù Việt Nam và Campuchia có chỗ không nhất trí, nhưng hiện tại cũng như tương lai, hai nước luôn luôn nhất trí trên một điểm, tức là: hoà bình, vâng. Nhưng không bao giờ hy sinh độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình để đổi lấy hoà bình.

Nhân dân Việt Nam ta hoàn toàn đồng ý với lời lẽ đanh thép của Thái tử Quốc trưởng Xihanúc. Nhân dân ta kiên quyết kháng chiến đến cùng để đánh đuổi lũ cướp Mỹ ra khỏi đất nước thân yêu của chúng ta.

Chỉ có một cách đưa lại hòa bình, là Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam.

CHIẾN SĨ

---------------------

- Báo Nhân Dân, số 4336, ngày 18-2-1966, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.44-46.


1. Báo Le Sangkum (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.