Ở các nước tư bản, thì những kẻ giết người, cướp nước, như bọn Tátxinhi (Pháp) và Aixenhao (Eisenhower - Mỹ) mới là “anh hùng”.

Ở những nước dân chủ như Việt Nam ta, thì những người cố gắng thi đua ái quốc vượt mức (bất kỳ già trẻ gái trai, binh công nông sĩ, lương giáo đạo đời), đều là Anh hùng, đều được Chính phủ nêu cao, nhân dân yêu kính, như:

Anh hùng Lao động Hoàng Hanh, 65 tuổi, người Nghệ An. Ngày trước là một nông dân nghèo, làm thuê cuốc mướn, cực khổ suốt năm. Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, Hồ Chủ tịch, Chính phủ và Đảng mở phong trào thi đua ái quốc, cụ Hanh ra sức thi đua về mọi mặt.

Nhà cụ có 9 người. Nhưng 2 con đi học, 5 con còn nhỏ, chỉ có 2 người thực sự cày cấy được. Cụ Hanh sắp đặt công việc rất hợp lý: người lớn làm việc nặng, người bé giúp việc nhẹ. Ngày nào có chương trình công việc của ngày ấy. Sáng sớm đi làm, tối về kiểm điểm. Cụ Hanh lại biết trồng trọt, chăn nuôi theo lối mới, cho nên thành tích rất khá: lúa, khoai, bông, đỗ thu hoạch đều vượt mức từ 30 đến 50 phần 100. Trâu, bò, lợn, gà đều béo đẹp, hơn của người khác.

Cụ Hanh đã giúp đỡ và tổ chức được 50 gia đình trong làng cũng làm như mình. Về mọi công việc Hội Nông dân cứu quốc và ủng hộ kháng chiến, cụ Hanh luôn luôn xung phong và vận động bà con cũng xung phong. Vì những thành tích ấy, nhân dân tỉnh Nghệ An và Liên khu 4 đã bầu cụ làm chiến sĩ thi đua. Trong Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, cụ Hanh được bầu là Anh hùng Lao động, và được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Thế là cố gắng thi đua thì vừa lợi nhà vừa lợi nước, vừa được lợi vừa được danh.

Chiến sĩ thi đua toàn quốc Trần Thị Thanh, 16 tuổi, cũng người Nghệ An, thợ làm giấy. Em Thanh ít tuổi, nhưng nhiều sáng kiến. Trước khi làm việc, em chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, tiết kiệm được thời giờ đi tìm kiếm. Trong việc xeo giấy, bóc giấy, can giấy, em đã tìm ra cách hợp lý hơn. Kết quả là trước kia, mỗi ngày một người chỉ làm được 1.200 tờ giấy, nay em Thanh đã làm được 1.800 tờ. Và nhờ áp dụng cách làm của em, toàn xưởng đã tăng mức sản xuất, mà giấy lại tốt hơn.

Có người hỏi: “Vì sao em thi đua?”. Em trả lời rất ngây thơ mà cũng rất đúng sự thật. Em nói: “Bác Hồ bảo thi đua là yêu nước. Em yêu nước, em yêu Bác Hồ, cho nên em cố gắng thi đua”. Thế là:

Thi đua không kể trẻ già,

Ai mà cố gắng, ắt là thành công.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 69, ngày 7-8-1952, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.