Ở nông thôn, ở xí nghiệp, ở bộ đội, cơ quan, trường học, v.v. chi bộ là người trực tiếp lãnh đạo quần chúng để thực hiện đường lối và chính sách của Đảng ta. Chi bộ tốt thì mọi việc đều tiến bộ. Chi bộ kém thì gặp nhiều khó khăn. Xin nêu hai chi bộ sau đây làm ví dụ:

Hợp tác xã Tam Đa và hợp tác xã Quảng Yên cùng ở trong huyện Phù Cừ (Hưng Yên), chỉ cách nhau độ một cây số. Hoàn cảnh cũng giống nhau. Nhưng vì hai chi bộ có tác phong khác nhau, cho nên kết quả đã khác hẳn nhau[1].

- Hợp tác xã Tam Đa bốn năm qua đã để chết mất 40 con trâu. Như:

Đội ông Mẹt nuôi 9 trâu, để chết 7, què 1.

Đội ông Linh nuôi 6 trâu, để chết 5, v.v..

Trâu chết nhiều. Thiếu sức kéo. Xã viên phải kéo cày thay trâu. Cày sau, cấy muộn. Cày bừa dối. Sản lượng thấp. Dân thiếu ăn. Hợp tác xã phải mua thêm trâu hết 12.000 đồng, quy ra thành 50 tấn thóc, thế là mất quá nửa tổng số thu nhập của xã viên.

Vì sao có kết quả xấu như vậy?

Trước hết là vì chi ủy lập trường giai cấp không vững vàng, thiếu tinh thần trách nhiệm, không thật sự quan tâm đến đời sống của nhân dân, không làm đúng chính sách của Đảng. Cần nói thêm rằng huyện ủytỉnh ủy cũng thiếu kiểm tra đôn đốc. Do đó, xã viên thiếu tinh thần làm chủ tập thể, không coi việc hợp tác xã như việc nhà. Ruộng dành trồng cỏ cho trâu thì để trồng thứ khác. Rơm để nuôi trâu cũng đưa làm việc khác. Chuồng trại thì xơ xác, bẩn thỉu. Có khi mưa gió lạnh lẽo, vẫn cột trâu ngoài trời suốt đêm. Để trâu đói rét mà lại bắt trâu làm lụng quá sức - mỗi con phải bảo đảm 17 mẫu. Nói tóm lại: Từ chi ủy đến xã viên đều không biết thương tiếc trâu bò!

- Hợp tác xã Quảng Yên thì trâu béo kéo khỏe. Đàn trâu bò 64 con đã có 19 con trâu bò đẻ. Vụ Đông Xuân vừa qua thêm được 12 nghé và 1 bê. Hiện nay 4 con trâu sắp đẻ.

Giải quyết tốt sức kéo, hợp tác xã đã tập trung vốn mua máy bơm nước, tiết kiệm được hàng nghìn ngày công tát nước, dùng vào tăng gia sản xuất.

Nhiều trâu bò thì nhiều phân bón. Nhiều phân bón thì sản lượng lúa tăng. Năm 1962, mỗi sào gặt được 50 - 60 cân. Năm 1963, mỗi sào được 70 cân. Hơn 70% số hộ xã viên đã có mức sống ngang hoặc hơn mức sống của trung nông lớp trên.

kết quả tốt đó là do chi bộ tổ chức khéo, lãnh đạo tốt. Do đảng viên và đoàn viên thanh niên xung phong gương mẫu. Do xã viên có tinh thần làm chủ tập thể, mọi người ra sức làm trọn nhiệm vụ của mình.

Mong rằng các chi bộ và các hợp tác xã khác đều so sánh hai chi bộ và hai hợp tác xã Tam Đa và Quảng Yên để rút ra bài học tốt.

Về việc chăm sóc trâu bò, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng làm khá. Tỉnh Hà Bắc đã có 600 hợp tác xã tổ chức ban chuyên môn chăm sóc trâu bò. Đó là những kinh nghiệm tốt. Các hợp tác xã khác nên thi đua làm theo.

T.L.

--------------------

- Báo Nhân Dân, số 3881, ngày 15-11-1964, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.416-417.


[1]. Trích báo Hưng Yên (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.