Hôm 25-12-1954, phóng viên một tờ báo rất to và cũng rất phản động Mỹ Nữu Ước thời báo viết về những điều tai nghe mắt thấy của y:
- “Tôi rất khâm phục chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vì họ có tinh thần dũng cảm, vượt những khó khăn không thể tưởng tượng được; vì họ có những thành tích rực rỡ về chính trị và về quân sự... Những thành tích của Chính phủ nhân dân đã chứng thực rõ rệt sự nhận xét của tôi về uy tín và sức mạnh của họ và sự ủng hộ của nhân dân đối với chính quyền ấy...”.
Trung tuần tháng 12-1954, tờ báo phản động Pháp Nước Pháp buổi chiều viết về tình hình chính quyền Ngô Đình Diệm như sau:
- “Mỗi ngày, Nam Bộ càng thêm vô chính phủ, càng rã rời... Tất cả các nhóm tranh nhau tiền bạc, tranh nhau súng ống và hối lộ. Không còn có pháp luật gì nữa hết... Để mua chuộc nhóm Bình Xuyên - Bảo Đại cho họ thầu các sòng bạc, nắm cơ quan cảnh sát và công an. Nhưng từ đầu năm 1954, Mỹ và Pháp mời “hoàng đế” đi Tây, thì chế độ Bảo Đại đã đổ nát.
Nhân dân không biết đến Ngô Đình Diệm. Y chỉ là một người quan lại lỗi thời. Quân đội “quốc gia” chống lại y. Y không chỉ huy được một người Việt Nam nào hết. Y chỉ làm chủ trong nhà y. Trong chính phủ, chỉ có anh em và bầu bạn của y. Y tưởng y là con trời. Tính kiêu ngạo và sự vụng về của y làm cho tình hình đã rối loạn càng thêm rối loạn.
Diệm mưu đẩy Hinh, nhưng không đủ sức. Hinh mưu lật Diệm, nhưng e sợ Mỹ. Rồi một hôm lính của Hinh giữ các cứ điểm ở Sài Gòn, Bình Xuyên bắn bọn tay sai của Diệm. Cao Đài và Hòa Hảo mưu bao vây Sài Gòn. Sự tan rã bắt đầu. Việt Nam “quốc gia” dần dần thối nát. Khủng bố, ám sát, nổi loạn, phản bội, không thiếu thứ gì.
Diệm bắt các thanh niên (di cư từ Bắc vào Nam) đi lính. Diệm mua chuộc binh sĩ của Hinh. Sĩ quan của Hinh giết nhân viên của Diệm. Tay sai của Diệm giết lại sĩ quan của Hinh. Sài Gòn đêm nào cũng có người bị ám sát. Ở các thành phố miền Nam đều như vậy... Hinh bị đuổi, nhưng các nhóm phong kiến mọc ra càng nhiều... Đây là một cuộc hỗn loạn triệt để...”.
Đồng bào miền Nam đã có câu:
Vì ai hỗn loạn thế này?
Vì đế quốc Mỹ làm thầy tên Ngô.
C.B.
------
- Báo Nhân Dân, số 318, ngày 13-1-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.250-251.