"Sư hinh" nghĩa là đạo đức thơm tho của người thầy. Ngày xưa các cụ nhà nho ta hay dùng hai chữ ấy để khuyến khích những người làm nghề dạy học.
Ngày nay, tuyệt đại đa số cô giáo và thầy giáo của chúng ta đều cố gắng trau dồi đạo đức cách mạng, làm gương mẫu tốt cho học trò và xứng đáng với hai chữ "sư hinh".
Nhưng vẫn còn một số (tuy là rất ít) thầy giáo kém đạo đức cách mạng, làm những việc vu vơ. "Con sâu làm rầu nồi canh", hành động của họ vừa ảnh hưởng không tốt đến vinh dự cao quý của giáo viên khác, vừa ảnh hưởng xấu đến các em học trò.
Sau đây là hai câu chuyện trích trong báo Tia sáng của Hà Đông (30-6-1963):
- Để tổng kết năm học, các thầy giáo Trường cấp II xã Đại Thanh (huyện Thường Tín) đã bắt mỗi em học trò góp 2 đồng để mua 6 con lợn và gà, vịt, chó làm việc "liên hoan".
Ủy ban xã không tán thành việc phô trương lãng phí đó. Nhưng các thầy giáo đã phớt cả ý kiến đúng đắn của ủy ban; và cứ thực hiện "kế hoạch" của họ.
Ngoài bữa tiệc đó, các thầy Trường Đại Thanh còn "khuyên" mỗi em học trò góp thêm 5 hào, và các thầy trích quỹ của trường cho mỗi em 1 đồng, để kéo nhau lên thị xã ăn một tiệc nữa ở quán cơm mậu dịch. Nhưng lần này chính quyền xã đã kịp thời đề nghị với các thầy giáo của chúng ta đình chỉ tiệc "liên hoan" thứ hai đó.
- Ở Trường cấp I xã Liên Châu (huyện Thanh Oai). Năm ngoái các thầy giáo đã bắt mỗi em học trò đi "mót" 3 cân thóc nộp cho thầy. Nhiều em đã phải lấy thóc của bố mẹ để nộp.
Các thầy còn có "sáng kiến" là cấp giấy khen cho em nào "mót" được từ 7 cân trở lên!
Kết quả là 320 học trò đã mót được 10 tạ rưỡi thóc để nộp cho thầy. Ngoài ra các em còn cấy được 6 sào ruộng, thu hoạch 4 tạ rưỡi thóc. Tổng cộng cả hai số thóc là 15 tạ. Các thầy đã nộp thuế và bán cho Nhà nước 450 cân thóc. Còn lại 1.050 cân, các thầy đã ưu tiên bán cho... các thầy, với giá phải chăng là 65 đồng một tạ.
Với số tiền bán thóc, ngoài việc chi một số cho học trò, các thầy đã liên hoan "năm, sáu lần không hết"! Số tiền còn lại các thầy đã mua vải kaki Trung Quốc và vải phin màu, để trang bị thêm mỗi thầy một bộ quần áo.
Nghe nói bà con ở Thường Tín và Thanh Oai, nhất là cha mẹ học trò rất thắc mắc về việc làm đó của các thầy. Và có nhiều người đã nói một cách mỉa mai "sư hinh" hay là sinh hư!
Và bà con cũng mong Ty Giáo dục Hà Đông tỏ thái độ đúng đắn với các thầy giáo ở Trường Đại Thanh và Trường Liên Châu.
Mong rằng cái tệ liên hoan lung tung cần phải chấm dứt.
CHIẾN SĨ
-------------------------
- Báo Nhân Dân, số 3390, ngày 9-7-1963, tr.4.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.134-135.