Sư là giáo sư. Sứ là đại sứ. Đặc vụ, tiếng Anh gọi là xpay. Dưới đầu đề “Giáo sư - quan ngoại giao”, tờ tạp chí Mỹ Cộng hòa mới (3-1962) đã viết:
Trên thế giới, ít nơi nào mà không có một đoàn giáo sư đại học Mỹ cùng đóng với quan ngoại giao Mỹ. Năm 1960-1961 có 2.218 giáo sư đại học Mỹ ở 92 nước ngoài. Hoạt động của họ thường không dính dáng gì với sự nghiệp của đại học. Vì vậy, đạo đức và nghề nghiệp của họ ngày càng sa sút. Họ trở thành những người phục vụ trung thành của “Cục hợp tác quốc tế” của chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ phái họ đi đâu thì họ đi đó, thậm chí đi phục vụ những chính quyền như Tưởng Giới Thạch, Ngô Đình Diệm...
Nếu có một vài trường hợp đại học Mỹ đặt quan hệ với đại học nước nào đó, thì mục đích cũng chỉ để phân phối “viện trợ” Mỹ; nghĩa là vì đôla chứ không phải vì học thuật... Do đó mà sinh ra một hạng giáo sư - quan ngoại giao. Kết quả là giáo sư cũng chẳng ra giáo sư, ngoại giao cũng không thành ngoại giao...
Ai cũng biết rằng: để giúp làm kế hoạch khủng bố phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam, Mỹ đã phái đến Sài Gòn một đoàn giáo sư của Trường đại học Michigan (?). Thế là cùng với vũ khí Mỹ, quân đội Mỹ, chó săn Mỹ, còn có cả giáo sư phản động Mỹ!
Về đại sứ Hoa Kỳ, tờ tuần báo Dư luận tự do của Mếchxích[1] (3-1962) viết:
Các đại sứ Hoa Kỳ đóng ở các nước Nam Mỹ thường can thiệp trắng trợn vào nội bộ và tổ chức những cuộc lật đổ chính phủ các nước ấy. Báo ấy nêu vài thí dụ như sau:
Tên Cabốt làm đại sứ Mỹ ở Bơrêdin bị tống cổ đi, vì hắn đã tổ chức một cuộc đảo chính, nhưng đã thất bại.
Người thay thế hắn làm đại sứ là Goócđơn thì tìm đủ cách để lái chính sách đối ngoại của Bơrêdin theo ý muốn của Mỹ, đồng thời hắn tiếp tế cho các tổ chức và báo chí phản động Bơrêdin.
Hai đại sứ Mỹ ở Ácgiăngtin[2] và Mếchxích đều liên lạc mật thiết với những phần tử phản động trong hai nước này.
Tên Xtơrôm, làm đại sứ Mỹ ở Bôlivi cũng bị Chính phủ Bôlivi đuổi đi, vì hắn đã âm mưu lật đổ.
Người thay thế hắn là Xtêphanxki thì rất ngang ngạnh. Nó công khai nói: Nếu Chính phủ Bôlivi[3] không thay đổi thái độ với Cu Ba, thì Bôlivi có thể bị bốn nước láng giềng chia cắt!
Vì chính sách Mỹ, giáo sư Mỹ, đại sứ Mỹ như vậy, mà một số báo chí Mỹ đã phải nhận rằng danh giá của Mỹ ngày càng sa lầy.
T.L.
------------------------------------------------
[1] Tức Mêhicô (B.T).
[2] Tức Áchentina (B.T).
[3] Tức Bôlivia (B.T).
Báo Nhân Dân, số 3084, ngày 4-9-1962, tr.4.