Hiện nay, bà con nông dân ta đang ra sức chống hạn. Sau hơn một tuần cố gắng, hơn bốn vạn mẫu tây lúa mùa khát hạn đã được uống nước. Diện tích bị hạn đã giảm được 2 phần 3. Đó là một thành tích khá. Cán bộ và bà con nông dân cần tiếp tục cố gắng thêm. Tôi xin nêu vài kinh nghiệm Trung Quốc ra đây, để bà con ta tham khảo.

Năm nay, mấy tỉnh ở Hoa Nam lụt to, nhiều tỉnh Hoa Trung và Hoa Bắc hạn nặng. Đã mấy mươi năm nay, chưa có bao giờ diện tích hạn to rộng và thời gian hạn kéo dài như năm nay. Thế mà năm nay thu hoạch vẫn hơn năm ngoái! Vài ví dụ:

- Tỉnh Hồ Bắc: Trong 70 ngày từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9, không có một giọt mưa. Trong bốn triệu mẫu tây ruộng đất thì hơn ba triệu mẫu bị hạn. Trước tình hình ấy, Đảng ủy và chính quyền tỉnh đã động viên tất cả cán bộ và toàn thể nông dân - dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí bí thư tỉnh - kiên quyết chống hạn suốt 90 ngày đêm. Họ đã đào thêm 19 vạn con mương, 20 vạn cái giếng, trữ thêm 3.700 triệu gánh phân… Kết quả là nông dân Hồ Bắc đã đánh thắng hạn, đã có đủ nước tưới cho ruộng, và đã thu hoạch một vụ lúa sớm tốt hơn năm ngoái.

- Tỉnh Hà Nam: Có hơn bảy triệu mẫu tây ruộng đất. Kể từ đầu tháng 7, suốt ba tháng mười ngày trời không mưa. Trong lịch sử Hà Nam, năm 1942 là năm hạn to nhất: 50 huyện gồm ba triệu mẫu tây bị hạn. Kết cuộc là hơn ba triệu người đã chết đói, những nông dân sống sót thì lưu ly xiêu bạt, bán vợ đợ con…

Năm nay, diện tích bị hạn là hơn 90 huyện gồm ngót bảy triệu mẫu tây ruộng đất, tức là gấp đôi diện tích bị hạn năm 1942. Đảng đã động viên một triệu cán bộ và 20 triệu nông dân, đồng tâm hiệp lực, đánh thắng giặc hạn. Trong mấy tuần chống hạn, họ đã đắp thêm 2.400 "kho" chứa nước, hơn 60 vạn mương to và nhỏ, đào và đắp 190 triệu thước khối đất và đá… Đồng thời bón thêm phân và đẩy mạnh thêm việc quản lý ruộng rẫy. Kết quả là nhiều nơi thu hoạch vụ này đã tăng 20% so với năm ngoái.

Trong cuộc chống hạn này, lực lượng của các công xã nhân dân đã có tác dụng rất lớn, và những công trình tiểu và trung thủy lợi sẵn có đã giúp ích rất nhiều.

Thế là lực lượng đại đoàn kết của nông dân chẳng những đã đánh thắng giặc hạn, mà còn biến năm hạn hán thành năm được mùa.

TRẦN LỰC

---------------------

Báo Nhân Dân, số 2050, ngày 27-10-1959, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.