Các bạn thân mến,

Báo cáo này xin miễn kể lại những trận oanh liệt ở Plâyku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Phù Mỹ..., chỉ trong vòng bảy ngày (7 đến 14-2-1965), đồng bào miền Nam đã tiêu diệt 2.500 binh ngụy và 350 tên Mỹ xâm lược, phá hủy 47 máy bay Mỹ, v.v.. Cũng miễn kể lại những thắng lớn ở Vĩnh Linh, Đồng Hới, Nghệ An, trong ba ngày (7, 8, 11-2-1965), ta đã bắn rơi 22 máy bay Mỹ. Đó là những thắng lợi về quân sự mà thiên hạ đều biết. Báo cáo này chỉ tóm tắt nêu lên những thắng lợi của ta và những thất bại của Mỹ về chính trị.

Đế quốc Mỹ thường rêu rao nào "dân chủ", nào "tự do". Nhưng lần này chúng đã bị lột hết mặt nạ trước thế giới:

Như hôm 11-2, tổng Giôn đã ra lệnh ném bom Vĩnh Linh, Đồng Hới, Nghệ An. Nhưng liền sau đó, trong một cuộc chiêu đãi đoàn ngoại giao, cũng tên Giôn đó đã lép bép rằng: "Mỹ hết sức ủng hộ hòa bình, chính nghĩa giữa các dân tộc"(!).

Đế quốc Mỹ lặp đi lặp lại rằng chúng không có ý mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng mọi người biết rằng: Tháng 6 năm ngoái, trong hội nghị bí mật ở Hônôlulu, chúng đã đặt kế hoạch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc để hòng gỡ thế bí của chúng ở miền Nam. Mồng 4 tháng 8, thì chúng dựng đứng ra "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ". 17-9, chúng lại cho tàu chiến vào Vịnh Bắc Bộ, hòng gây chiến lần nữa. Từ đó, chúng cho máy bay, tàu chiến khiêu khích hơn 20 lần miền Bắc nước ta.

Rồi đến trận cắn trộm ngày 7, 8 và 11-2-1965.

Tuy bọn Mỹ nói đó là để "trả đũa" cho những trận thất bại nhục nhã của chúng ở miền Nam. Nhưng báo chí Mỹ đã nói toạc ra rằng: "Mỹ có thể ném bom vào mục tiêu ở miền Bắc, không chỉ để "trả đũa"" (UPI, 12-2-1965). Các báo Anh cũng nói rằng: "Từ tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Mỹ đã cho Thủ tướng Anh biết kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam".

Việc Mỹ ném bom miền Bắc đã gây nên khắp thế giới một làn sóng sôi sục phản đối Mỹ và ủng hộ ta.

Từ Triều Tiên, Trung Quốc, Liên Xô đến Cu Ba, hàng chục triệu nhân dân các nước anh em đã rầm rộ tuần hành thị uy chống Mỹ. Chính phủ các nước anh em đã nghiêm khắc cảnh cáo Mỹ và tích cực ủng hộ ta.

các nước bạn như Angiêri, Inđônêxia, v.v. hàng chục vạn người biểu tình ủng hộ ta, phản đối Mỹ. Hôm 15-2, riêng ở Giacácta đã có hơn 25 vạn người biểu tình chống Mỹ.

Nhân dân các nước tư bản như Anh, Pháp, Nhật, Ý, v.v. và các nước xa xôi như Sili, Côlômbia, Vênêduêla, v.v. cũng có những cuộc biểu tình rầm rộ lên án Mỹ và ủng hộ ta.

Cho đến các nước như Tây Đức, Mã Lai, quần chúng cũng có phong trào như vậy. Các báo Mỹ đã phải thú nhận rằng: "Trên thế giới các cuộc thị uy chống Mỹ đã lên đến cao trào mới... Chưa bao giờ Mỹ bị cô lập như bây giờ".

Ngay ở Mỹ, phong trào chống chiến tranh cũng lên mạnh. Nhiều chính khách có thần thế như các nghị sĩ Moxơ, Sớcsơ, Griuninh, v.v. kịch liệt chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Vừa rồi lại có thêm 420 giáo sư các trường đại học và 122 người có danh vọng lớn như ông Pôlinh đã tuyên bố rằng cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Nam Việt Nam nhất định sẽ thất bại, và đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt ngay chiến tranh.

Thanh niên và sinh viên 14 trường đại học và 10 trường cao đẳng ở Thủ đô và 10 thành phố lớn ở Mỹ đã míttinh, biểu tình ủng hộ ta.

Nhiều báo chí tư sản Mỹ cũng nghiêm khắc lên án hành động kiểu cướp biển của Chính phủ Mỹ. Thí dụ: Hãng UPI viết: "Đó là một cuộc đánh bạc không hy vọng thắng". Thời báo Nữu Ước viết: "Hành động điên rồ của Mỹ ở miền Bắc không cứu vãn được thất bại của Mỹ ở miền Nam Việt Nam".

Trong phong trào rung động cả thế giới này, có những chuyện rất cảm động. Như bà cụ Lý, 69 tuổi, đã chống gậy dẫn cả nhà gồm 18 người con và cháu cùng đi biểu tình với hàng vạn nhân dân Nam Ninh (Quảng Tây). Để chống chính sách chiến tranh của tổng Giôn và ủng hộ ta, nhiều sinh viên Mỹ đã tuyệt thực 48 tiếng đồng hồ, trong số người này có 30 sinh viên gái ở Trường đại học Côlômbia...

Những việc kể trên chứng tỏ rằng: Anh em, bè bạn khắp năm châu đều nhiệt liệt ủng hộ ta và về chính trị cũng như về quân sự, ta đang thắng lớn, Mỹ đang thua to. Tuy vậy, như "chó dại cắn càn", đế quốc Mỹ càng thua đau, chúng càng giãy giụa hung dữ. Cho nên toàn dân ta phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.

CHIẾN SĨ

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3983, ngày 27-2-1965, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.496-498.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.