Vụ chiêm vừa rồi được mùa. Đó là kết quả do sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự phấn đấu dũng cảm của cán bộ địa phương và đồng bào nông dân. Cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã cũng đã góp một phần vào kết quả đó.

Thế là đồng bào đã thực hiện thắng lợi khẩu hiệu tăng gia sản xuất. Nhưng thắng lợi đó mới là bước đầu. Chúng ta còn phải tiến lên nữa, tức là phải thực hành tiết kiệm.

Các nơi đều đã làm tốt nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước. Nhiều nơi đồng bào còn bán cho Nhà nước hàng nghìn tấn thóc theo giá khuyến khích. Thật là đã ích nước lại lợi nhà!

Nhưng có nơi vì được mùa mà có tình trạng phũ phàng ngô khoai, lãng phí thóc gạo. Thế là sai lầm to!

Chúng ta nên nhớ rằng Nhà nước cần rất nhiều thóc gạo.

- Để cung cấp cho công nhân, quân đội, cán bộ và nhân dân các thành phố,

- Để làm dự trữ cho nhân dân, phòng khi mùa màng không thuận,

- Để đổi lấy máy móc và nguyên liệu nước ngoài (khi lương thực đã thỏa mãn nhu cầu của nhân dân ta), nhằm đẩy mạnh công nghiệp nước ta, mà công nghiệp để phục vụ nông nghiệp chiếm một địa vị rất to.

Vì vậy, bán càng nhiều lương thực (nhất là thóc gạo) cho Nhà nước theo giá khuyến khích, thì càng lợi cho nông dân và công nhân.

Hoan hô Chi đoàn thanh niên lao động Tân Hưng Hòa (Thái Bình) đã có sáng kiến làm trước, và thanh niên Hà Đông đã hăng hái hưởng ứng cuộc vận động tự nguyện tự giác ăn thêm hoa màu, để tiết kiệm thóc gạo bán cho Nhà nước. Mong rằng thanh niên và đồng bào các nơi đều sẽ nhiệt liệt hưởng ứng cuộc vận động đó.

Xã viên hợp tác xã Việt Tiến (tỉnh Quảng Ninh) thì tự động ăn độn nửa khoai nửa gạo, để dành nhiều thóc bán cho Nhà nước. Hoan hô sáng kiến yêu nước đó của bà con Việt Tiến và mong rằng các hợp tác xã khác cũng làm như vậy[1].

Chúng ta cần phải nhân cái đà thắng lợi của vụ chiêm mà làm vụ thu và vụ mùa thắng lợi hơn nữa.

Có thể làm được không? Nhất định làm được! Vì lực lượng tiềm tàng của ta còn rất nhiều. Vụ chiêm vừa rồi, ở Thanh Hóa có một số hợp tác xã gặt được 3 tấn 2 tạ một mẫu tây. Đó là sản lượng cao nhất ở miền Bắc hiện nay. Nếu cố gắng thì vụ mùa có thể đạt 33 tạ, tức là cả năm một mẫu tây thu hoạch 6 tấn rưỡi.

Ở Trung Quốc, năm ngoái tuy bị hạn và lụt nặng, nhưng vì nông dân cố gắng, cho nên nhiều nơi đã thu hoạch (cả năm) một mẫu tây từ 10 đến 13 tấn.

Anh em nông dân Trung Quốc đã làm được, thì đồng bào nông dân Việt Nam cố gắng nhất định cũng làm được.

T.L.

------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3739, ngày 25-6-1964, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.336-337.


[1]. Xem báo Nhân Dân, ngày 23-6-1964 (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.