Tăng năng suất và tiết kiệm là 2 việc căn bản để khôi phục và phát triển kinh tế, để nâng cao đời sống của nhân dân. Liên Xô giàu mạnh vẫn thi đua tăng gia và tiết kiệm. Trung Quốc cũng do phong trào thi đua tăng gia và tiết kiệm, mà công cuộc tiến lên chủ nghĩa xã hội được nhanh chóng, sau đây là vài thí dụ:

- Trước hết, mọi ngành phải giữ vững nguyên tắc: Thật cần thì dùng, nên bớt thì bớt, không thật cần thì kiên quyết không dùng.

- Phải làm đúng: Tính toán cẩn thận, đôn đốc thường xuyên, các ban, các tổ tự kiểm tra chặt chẽ. Kết quả trong 10 tháng năm ngoái,

Xưởng đúc sắt An Cương tiết kiệm được 236.409 triệu đồng,

7 xưởng dệt ở Liêu Ninh tiết kiệm được một số bông và sợi đủ dệt vải may áo cho 493.000 người.

180 sở kiến trúc ở Bắc Kinh (trong 9 tháng) tiết kiệm được 199.900 triệu, dùng để xây thêm 1 ngôi nhà 3 tầng, rộng 1.500 thước vuông.

Nha Giáo dục ở Trùng Khánh, trước thì xin thêm 26.000 triệu đồng, song nhờ phong trào thi đua, đã không xin thêm mà còn tiết kiệm được 18.000 triệu.

Sở thuế ở Trùng Khánh có sáng kiến dùng những phiếu cũ, đã tiết kiệm được 18.000 triệu.

Năm ngoái công nhân và viên chức các ngành đều tăng năng suất 50 đến 93 phần 100.

Nếu chỉ tăng gia mà không tiết kiệm, thì làm ra bao nhiêu dùng hết bấy nhiêu. Chỉ tiết kiệm mà không tăng gia, thì không phát triển được. Bởi vậy, tăng gia và tiết kiệm phải kết hợp với nhau. Nếu ngành này tăng gia và tiết kiệm, mà ngành khác không tăng gia và tiết kiệm, thì kế hoạch kinh tế chung sẽ xộc xệch. Mọi người mọi ngành đều tăng gia và tiết kiệm, thì kinh tế chung sẽ dồi dào, đời sống của mọi người sẽ được dần dần cải thiện.

Hiện nay ở các công trường và nhà máy, công nhân và cán bộ đã dẫn đầu cuộc thi đua tăng gia và tiết kiệm, và đã thu được kết quả tốt đẹp bước đầu. Chúng ta phải đẩy mạnh và mở rộng phong trào thi đua, làm cho nó lan khắp các bộ đội, cơ quan, đoàn thể, và toàn dân thì công cuộc khôi phục kinh tế và nâng cao dần mực sống của mọi người sẽ tiến bộ mau chóng.

C.B.

------

Báo Nhân Dân, số 336, ngày 1-2-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.