Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô quyết định: Từ 1957 trở đi, Chính phủ Liên Xô sẽ tuỳ điều kiện từng ngành công nghiệp mà thi hành luật ngày làm 7 giờ; và đến 1960, tiền lương công nhân và công chức ít nhất sẽ tăng 40 phần 100 so với lương hiện nay.

Sung sướng thật! Người lao động Việt Nam ta đều vui mừng cho anh em Liên Xô, và đều ước ao mình cũng được như thế!

Nhưng chúng ta cũng nhớ rằng anh em Liên Xô đã tốn rất nhiều công trồng cây mới có quả ngon lành ấy.

Liên Xô cách mạng thành công đã gần 40 năm. Anh em Liên Xô đã vượt biết bao khó khăn và gian khổ, đã mấy chục năm thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để khôi phục nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá, rồi hoàn thành 5 cái kế hoạch 5 năm. Kết quả là:

Trong 26 năm, sản xuất công nghiệp đã tăng gấp 20 lần.

Năm 1955, năng suất lao động tăng gấp hai năm 1940.

2 phần 3 tổng số phát triển công nghiệp trong kế hoạch 5 năm thứ năm là nhờ tăng năng suất và tiết kiệm. Lại do đó mà giá thành giảm được 23 phần 100.

So với 1955, thì mức sản xuất của 1960 sẽ tăng 65 phần 100, tức là gấp 5 lần sản xuất của năm 1940.

Về nông nghiệp, thì đã lâu, toàn thể nông dân Liên Xô đã tham gia các nông trường tập thể. Nhờ đó mà mức sản xuất tăng rất cao (thí dụ 1 mẫu tây trồng ngô, thu hoạch được từ 40 đến 75 tấn). Diện tích trồng trọt cũng ngày càng tăng: trong năm 1954 đến 1955, hơn 35 vạn thanh niên đã vỡ hoang thêm 33 triệu mẫu tây. Cuối kế hoạch 5 năm thứ sáu, Liên Xô sẽ thu hoạch mỗi năm 170 triệu tấn ngũ cốc.

Bền bỉ thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, do đó, hàng hóa thứ gì cũng nhiều, cũng tốt, cũng rẻ, và lương thực tha hồ, anh em Liên Xô đã tự tay mình tạo ra hạnh phúc cho mình.

Nhân dân lao động Việt Nam ta noi gương phấn đấu và thi đua của anh em Liên Xô để khôi phục rồi phát triển kinh tế của ta, thì dần dần chúng ta cũng tăng tiền lương, bớt giờ làm, và sung sướng như anh em Liên Xô. Vậy có thơ rằng:

Muốn ăn quả, thì phải trồng cây,
Thi đua tăng gia và tiết kiệm, ắt có ngày phong lưu.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 743, ngày 16-3-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.