1. Công nghiệp

Số công nhân các xí nghiệp Trung Quốc hiện nay là hơn 12 triệu người. Trong số đó, 13% là đảng viên Đảng Cộng sản.

16% là đoàn viên thanh niên cộng sản.

35% là công nhân cũ, tinh thần giai cấp cao và thạo nghề nghiệp.

Đó là một lực lượng to lớn.

Công nghiệp Trung Quốc mấy năm trước đã tiến bộ. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất chỉ trong bốn năm đã hoàn thành. Khẩu hiệu “Chống bảo thủ, chống lãng phí” nêu trong cuộc chỉnh phong, làm cho công nhân càng tiến bộ, tiến bộ nhảy vọt. Thí dụ:

- Mỏ sắt Từ Châu: Kế hoạch định năm nay sẽ sản xuất 30 vạn tấn. Nhưng công nhân mỏ tự động đề nghị làm 50 vạn tấn.

Nếu theo năng suất cũ, thì cần thêm nhiều máy và 200 người thợ nữa. Nhưng họ không xin thêm một chiếc máy, một công nhân, một đồng tiền.

Họ làm thế nào?

Đảng ủy điều tra, nghiên cứu kỹ, thảo ra kế hoạch mới, rồi phát động cán bộ và công nhân thảo luận rộng rãi gần một tháng.

Thực hiện khẩu hiệu “Ai cũng hiến kế, ai cũng cải cách”, chỉ trong ba hôm, quần chúng đã đưa lên 99.338 đề nghị hợp lý hóa.

Tiếp theo đó, các cán bộ lãnh đạo đến tận nơi các tầng và các máy, tổ chức lại lực lượng lao động, sửa đổi lại lề lối làm việc. Đồng thời phát động quần chúng tự tìm cách thực hiện những đề nghị mình đã nêu ra. Khẩu hiệu lúc đó là:

“Tiết kiệm, lại tiết kiệm,

Không hỏi tiền cấp trên.

Cơ giới hóa nho nhỏ

Đồ cũ cũng làm nên”.

Trong ít hôm, dùng những vật liệu cũ, những vật liệu trước đã loại ra, công nhân đã làm thành những máy móc mới để dùng. Họ làm những việc mà trước kia không thể tưởng tượng được. Khi đã nghĩ ra một biện pháp, thì họ làm cả ngày cả đêm, quên ăn, quên ngủ, họ quyết làm cho kỳ được. Có khi các đồng chí lãnh đạo khuyên họ tạm nghỉ, họ không nghỉ, và nói: “Chịu khó nhọc vài hôm, sẽ sung sướng muôn đời!”.

Kết quả đầu tiên là kế hoạch sản xuất quý I đã hoàn thành trước 21 ngày, sản lượng tháng 4 tăng hơn sản lượng tháng 3 đến 22%. Và công nhân hy vọng rằng đến cuối năm có thể vượt mức 50 vạn tấn.

- Xưởng làm xe hơi Trường Xuân: Theo kế hoạch cũ thì năm nay sẽ sản xuất 30 vạn chiếc. Sau khi thảo luận kỹ lưỡng, công nhân đề nghị sản xuất 70 vạn chiếc.

Đảng ủy ở đây cũng làm như ở mỏ Từ Châu, nghĩa là phóng tay phát động quần chúng tìm mọi cách cải tiến công tác; phê bình những tư tưởng và những cách làm việc, những quy chế lạc hậu.

Khi một ban nào đã tiến bộ nhảy vọt, thì Đảng ủy liền họp cán bộ và công nhân các ban khác đến đó xem xét, thảo luận và rút kinh nghiệm.

Cán bộ kỹ thuật kết hợp rất chặt chẽ với công nhân, trong mấy hôm đã cùng nhau sửa đổi cách bố trí hơn 1.000 máy móc chính, do đó mà tiết kiệm được nhiều thời giờ và nâng cao thêm năng suất.

Công nhân ai cũng cố gắng học thêm kỹ thuật.

Từ các bí thư chi bộ và công đoàn trở lên đều làm thí điểm, cùng lao động với công nhân. Như vậy, hễ gặp vấn đề gì là giải quyết được ngay.

Tư tưởng thông suốt từ trên đến dưới, cán bộ lãnh đạo và công nhân đoàn kết thành một khối, phong trào thi đua lôi cuốn tất cả mọi người.

Sau đây là một bài trích ở báo tường của xưởng:

Xưởng ta, ai cũng thi đua,

Khó khăn vượt tuốt, không thua xưởng nào.

Vì ai, ta đẩy phong trào?

Vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào.

Có lời nhắn ả Hồng Mao:

Độ mươi năm nữa, xe ta sẽ vọt cao hơn xa nàng”.

Bài báo đã tỏ rõ ý chí thi đua bền bỉ của công nhân vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân và vì sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời nó còn ngụ ý hài hước là nói cho nữ hoàng Anh biết rằng không bao lâu nữa thì công nghiệp xe hơi của Trung Quốc sẽ đuổi kịp và vượt quá công nghiệp xe hơi của nước Anh.

- Mỏ than Hoài Nam: Trong cuộc chỉnh phong, quần chúng thẳng thắn phê bình ở mỏ người nhiều hơn việc, nhiều cán bộ không trực tiếp sản xuất nhiều cấp bậc và nhiều giấy tờ không cần thiết, có hiện tượng lãng phí, v.v..

Chăm chú lắng nghe ý kiến của quần chúng, nghiên cứu và thực hiện những đề nghị đúng đắn của quần chúng, Đảng ủy lập tức sắp đặt lại tổ chức, giảm bớt những cấp bậc và những phòng giấy phiền phức. Chỉ một việc đó, mỗi năm đã tiết kiệm được 140 vạn đồng.

Cán bộ không trực tiếp sản xuất từ 12% tổng số người trong mỏ, giảm xuống còn 6%.

Giảm được 4.400 công nhân và nhân viên đưa sang các xí nghiệp khác.

Điều động được 300 công nhân kỹ thuật đi giúp những mỏ mới khai thác.

1.300 công nhân được thay phiên nhau lên lớp huấn luyện kỹ thuật để làm cốt cán cho những mỏ mới.

Số người giảm bớt như vậy, mà năng suất lại nâng hơn 27%.

Lúc bắt đầu chỉnh đốn cũng có khó khăn: một số cán bộ còn tư tưởng bảo thủ, e rằng không thực hiện được; một số công nhân sợ bị giảm, bị điều động hoặc bị bớt lương.

Nhưng cấp lãnh đạo quyết tâm chỉnh đốn cho bằng được. Trước hết, làm những thí điểm. Thí điểm kết quả tốt: đưa một nửa số cán bộ sang trực tiếp sản xuất mà công việc chẳng những không bể trễ mà lại chạy đều hơn. Rồi tiếp tục chỉnh đốn những bộ phận khác.

Cách chỉnh đốn cũng là: Đi đúng đường lối quần chúng, phóng tay phát động quần chúng phê bình và đề nghị, dựa vào quần chúng mà tổ chức tốt lực lượng lao động.

Kết quả là: Năm ngoái mở sản xuất 4 triệu 90 vạn tấn.

Năm nay tăng lên 6 triệu 91 vạn tấn.

Năm ngoái năng suất mỗi ngày công là 1 tấn 120 kilô.

Năm nay năng suất mỗi ngày công là 1 tấn 560 kilô.

- Nhà máy điện Thạch Cảnh Sơn là một kiểu mẫu xưởng nhỏ đẻ ra xưởng to.

Sau khi xây dựng xong, nhà máy điện Cao Tĩnh sẽ to gấp mười mấy lần Thạch Cảnh Sơn. Tuy vậy, cán bộ và công nhân Thạch Cảnh Sơn tình nguyện bảo đảm việc xây dựng Cao Tĩnh. Nhờ đó mà theo kế hoạch cũ, tiền vốn xây dựng Cao Tĩnh là 600 triệu đồng, nay chỉ tốn 400 triệu. Thế là ngay từ lúc đầu, cán bộ và công nhân Thạch Cảnh Sơn đã tiết kiệm cho Nhà nước 200 triệu đồng.

Kế hoạch cũ, định Cao Tĩnh sẽ có 2.000 cán bộ và công nhân. Nhưng quần chúng đề nghị Thạch Cảnh Sơn và Cao Tĩnh sẽ dùng chung một xưởng lắp máy và sửa máy, chung một số nhân viên khác cho nên Cao Tĩnh chỉ cần non 800 cán bộ và công nhân là vừa.

*

*     *

Không thêm tiền, không thêm máy, không thêm người (có nơi còn giảm bớt nhiều người), mà sản lượng lại gấp đôi, gấp rưỡi. Tất cả các xí nghiệp Trung Quốc hiện nay đều làm đúng nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

Vì sao mà đạt được những thành tích như thế?

Vì giai cấp công nhân Trung Quốc đã thành một đội ngũ chiến đấu có giác ngộ cao, có tổ chức mạnh, có kỷ luật nghiêm, có trình độ văn hóa và kỹ thuật khá. Họ hiểu rằng đã là giai cấp lãnh đạo thì phải làm trọn nhiệm vụ lãnh đạo, nhiệm vụ chính trị của mình.

Tóm tắt những nhiệm vụ ấy là: Đoàn kết giai cấp chặt chẽ, phát huy truyền thống đấu tranh gian khổ, ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, phải có tinh thần chí công vô tư, xung phong làm gương mẫu để lôi cuốn nhân dân cả nước đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội.

Trong cuộc chỉnh phong do Đảng trực tiếp lãnh đạo, công nhân và cán bộ các xí nghiệp đã thảo luận sôi nổi và đã kết luận đúng đắn những vấn đề sau đây:

- Phải làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo của giai cấp công nhân.

- Quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với nhà nước, thế nào là đúng.

- Quan hệ giữa phát triển sản xuất và cải thiện đời sống.

- Quan hệ giữa tự do và kỷ luật, giữa dân chủ và tập trung.

- Quan hệ giữa công nhân và nông dân.

Cán bộ lãnh đạo xí nghiệp (cán bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên và cán bộ hành chính) thì:

Phải khắc phục bệnh quan liêu, mệnh lệnh, bệnh chủ quan và tư tưởng bảo thủ.

Phải tham gia lao động chân tay, học tập kỹ thuật và nghiệp vụ.

Phải đi sâu vào công việc quản lý và sản xuất, gần gũi công nhân, thực sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của quần chúng.

Phải hòa mình với công nhân thành một khối, xóa bỏ những đãi ngộ riêng biệt nó làm cán bộ xa rời công nhân.

Phải làm cho cơ quan của xí nghiệp gọn gàng, nhẹ nhàng, giảm bớt số người không trực tiếp sản xuất.

Phải bồi dưỡng những công nhân tiên tiến thành cán bộ cho xí nghiệp.

Cán bộ kỹ thuật thì cần tham gia lao động chân tay, kết hợp chặt chẽ với công nhân, để trở nên những cán bộ tốt của giai cấp công nhân đã hiểu biết lý luận lại có kinh nghiệm thực tế.

TRẦN LỰC

---------------------------

Báo Nhân Dân, số 1581, ngày 11-7-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.