.

Cũng như đồng bào ta, anh em Trung Quốc coi Tết Nguyên đán là ngày lễ to nhất trong cả năm. Vì vậy, trước đây hễ đến ngày Tết là thi nhau sắm sửa, ăn chơi.

Từ ngày giải phóng đến nay, nhân dân Trung Quốc đã sửa đổi phong tục ấy. Họ ăn Tết theo “đời sống mới”. Tết Nguyên đán đã trở nên những ngày vui vẻ, lành mạnh mà không lãng phí. Hơn nữa, bà con Trung Quốc đã biến dịp Tết thành một dịp củng cố đoàn kết tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Vài thí dụ:

- Trong dịp Tết năm ngoái, Trung Quốc đã đẩy mạnh hai phong trào: Phía nhân dân là phong trào “Ủng quân ưu thuộc” nghĩa là nhân dân tăng cường phong trào ủng hộ bộ đội, giúp đỡ quân nhân phục viên, chiếu cố gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ…

Phía quân đội là phong trào “Ủng chính ái dân” nghĩa là quân đội và anh em phục viên thắt chặt tình đoàn kết giữa quân và dân, giúp đỡ chính quyền ra sức tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội…

Hai phong trào ấy kết hợp với nhau và có kết quả rất tốt.

- Các cơ quan và bộ đội tự động ăn Tết một cách tiết kiệm. Ảnh hưởng do đó, nhân dân cũng tự giác hạn chế việc mua sắm Tết. Kết quả là so với Tết năm kia, số hàng hóa bán ra trong dịp Tết năm ngoái có thứ giảm 1 phần 3, có thứ giảm 1 phần 10, nhờ vậy mà giá thị trường rất ổn định.

Ngược lại, số tiền tiết kiệm gửi vào Ngân hàng chẳng những không giảm sút, mà lại tăng thêm rất nhiều. Như ở thành phố Thượng Hải (hơn 6 triệu người) trong dịp Tết số tiền tiết kiệm gửi Ngân hàng đã tăng hơn 473 triệu đồng nhân dân tệ. Tính trung bình thì mỗi người dân đã tiết kiệm hơn 76 đồng (1 đồng Trung Quốc bằng gần 1.500 đồng tiền ta).

- Để cho việc giao thông vận tải giữ được mức bình thường, quân nhân, học sinh và cán bộ các cơ quan đều tự động không về ăn Tết ở quê hương mình.

- Bà con nông dân chỉ vui chơi ăn Tết buổi sáng ngày mồng một. Từ trưa mọi người đã ra đồng tát nước chống hạn, hoặc làm những việc tăng gia sản xuất khác.

- Anh chị em công nhân chỉ nghỉ Tết một ngày dù Nhà nước cho nghỉ ba ngày. Thí dụ: theo lời kêu gọi của công đoàn, công nhân các khu mỏ đã hy sinh 2 ngày nghỉ và đã đào được hơn 45 vạn tấn than, chuyển xong 48 vạn 5 nghìn tấn.

Có những công nhân thanh niên đã định nhân ngày Tết để về quê cưới vợ, nhưng cũng hoãn lại để tham gia sản xuất. Có nhiều người đã mua vé xe lửa để về thăm nhà, nhưng cũng trả vé xe lại để cùng làm việc với anh em. Vợ con công nhân thì khuyên chồng, khuyên cha vui Tết bằng cách tăng gia sản xuất.

Nhân đà hăng hái đó, công nhân lại thách nhau thi đua. Vì vậy, trong mấy ngày Tết sản lượng đã vượt mức những ngày thường.

Cán bộ công đoàn và xí nghiệp cùng các đồng chí lãnh đạo đều chia nhau đến tận nơi để khuyến khích và giúp đỡ công nhân. Anh em cấp dưỡng thì cố gắng làm cho cơm lành canh ngon hơn. Bà con nông dân cũng đến giúp việc khuân vác. Nói tóm lại, ở Trung Quốc Tết năm ngoái đã thành ngày Tết tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.

Vì có quyết tâm hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung, vì tinh thần đấu tranh cách mạng được nâng cao, vì cố gắng làm tròn và làm vượt mức kế hoạch Nhà nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội… mà nhân dân Trung Quốc nói chung, giai cấp công nhân nói riêng, đã thu được kết quả vẻ vang để chúc mừng ngày Tết thắng lợi.

Đề nghị đồng bào Việt Nam ta nên học kinh nghiệm quý báu ấy, và tổ chức ngày Tết Nguyên đán năm Mậu Tuất cho vui vẻ, lành mạnh và tiết kiệm.

Bắc Kinh, 20-1-1958

TRẦN LỰC

---------

Báo Nhân Dân, số 1418, ngày 26-1-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.