Hai Tết trồng cây trước, do đồng bào vui vẻ và hăng hái tham gia, cho nên ngày nay cả miền Bắc đã có độ 10 triệu cây, cao từ 1 đến 2 thước, ngành rậm, lá tươi. Đó là một kết quả tốt.

Một cây làm chẳng nên non,

Mười triệu cây đứng lại thành một hòn núi rất to.

Một thành tích nữa, là chúng ta đã thu được một số kinh nghiệm tốt.

Kinh nghiệm tập thể tốt như hợp tác xã Lạc Trung (Vĩnh Phúc), hợp tác xã Yên Trường (Thanh Hóa), v.v..

Kinh nghiệm tốt của cá nhân các cụ phụ lão như cụ Chuẩn (84 tuổi, xã Yên Hòa, tỉnh Quảng Bình), chị em phụ nữ như bà Nhàn (xã Chi Lăng, Phú Thọ), của thanh niên như anh Trần Văn Ngõ (cụt một tay, xã Thái Đô, Hà Nội), v.v. đều là “kiện tướng” trồng cây. Những kinh nghiệm ấy chúng ta cần phải phổ biến cho rộng khắp, thí dụ:

Lạc Trung (trong kháng chiến bị giặc Pháp đốt trụi) đã trồng được hơn 4 vạn cây. Làng xóm trở nên tươi tốt, lại đã thu được hơn 1.000 đồng. Nay Lạc Trung hợp nhất với hai hợp tác xã Hà Phú và Hà Trì thành hợp tác xã Hồng Phong. Hợp tác xã Hồng Phong đã trồng được gần 94.000 cây, bình quân mỗi người 52 cây.

Vì sao họ đạt được thành tích tốt? Vì cá nhân thì chăm chỉ và chuyên cần, họ bền trí như ông già rời núi 1. Tập thể thì họ biết cách làm: Họ cử những cụ già hăng hái lập thành những tổ chuyên trách trồng cây, các xã viên đều tùy khả năng mà giúp sức, các em nhi đồng thì có những đội bảo vệ cây cối. Họ thực hiện khẩu hiệu “Yêu cây như yêu con”. Đó là nguyên nhân thắng lợi của họ.

Hồng Phong và Yên Trường làm được thì các hợp tác xã khác (nhất là ở vùng Hà Nội, trong 100 xã mới có vài mươi xã thực hiện khá Tết trồng cây) không lẽ gì không làm được.

Nhân đây, xin góp vài ý kiến: Hợp tác xã Hồng Phong thách các hợp tác xã khác thi đua:

1- A) Trong năm 1962 bình quân mỗi người trồng 50 cây và

B) Bảo đảm cây nào cũng tốt.

2- Bảo đảm những cây trồng hai năm trước đều tốt, nếu cây nào hỏng thì phải trồng lại.

Điều kiện B và điều kiện số 2 đều đúng. Nhưng điều kiện A hơi quá cao, hợp tác xã nào làm được như thế càng tốt. Nhưng mỗi cuộc thi đua phải có tính phổ biến, sao cho mọi người, mọi tập thể cố gắng thì đều có thể đạt được.

Tết trồng cây cũng như mọi việc khác, các cấp ủy đảng phải lãnh đạo cụ thể và chặt chẽ thì sẽ thành công.

Chúc đồng bào một Tết trồng cây vui vẻ và thắng lợi.

T.L.

--------------------------

[1] Ngày xưa ở Trung Quốc có một ông già quyết tâm san phẳng một hòn núi để làm ruộng. Có người bảo: “Cụ không bao giờ rời được núi đâu”. Cụ già nói: “Ngày nào tôi cũng đào, tôi đào chưa xong thì con cháu tôi tiếp tục đào, chúng tôi nhất định san phẳng được hòn núi này” (TG).

Báo Nhân Dân, số 2839, ngày 30-12-1961, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.302-303.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.