Tết trồng cây năm ngoái đã thu được thành tích khá nhiều. Vài thí dụ:

- Đồng chí Cao Xuân Nhĩ, 21 tuổi, xã Thanh Xuân (Vĩnh Phúc) tuy mù hai mắt, đã kiên quyết vượt nhiều khó khăn, mò mẫm đào được hơn 1.000 hố và đã trồng xoan, nhãn, me, v.v. ven đường cái và đường làng. Thật đáng cảm động.

- Đồng chí Lê Thị Mừng, 20 tuổi, hợp tác xã Thái Hòa (Hưng Yên), hai năm liền là chiến sĩ thi đua về ba công tác (thủy lợi, sản xuất và làm phân), đã trồng được 5.000 cây trên một đám đất xấu mà cây nào cũng tốt.

- Cụ Nguyễn Yên, 65 tuổi, hợp tác xã Nguyễn Thái (Hải Dương), tuổi già mà chí không già, cụ Yên đã không quản khó nhọc, suốt ngày cặm cụi vun trồng và săn sóc ngót 5.000 cây.

- Ở hợp tác xã Cẩm Yên (Sơn Tây), 8 cụ phụ lão đã trồng được 1.000 cây trẩu trên những đám đất đầy sỏi và đá. Năm nay tổ phụ lão này quyết định trồng thêm 35.000 cây các loại.

- Xã Lạc Trung (Vĩnh Phúc) đã trồng được hơn 105.000 cây. Vì khéo kết hợp việc trồng cây với thủy lợi và nuôi cá, cho nên chỉ tính các thứ quả, lá, củi, v.v., Lạc Trung đã thu được ngót 3.200 đồng; sản lượng lúa thì từ 750 cân một mẫu Bắc Bộ tăng lên 850 cân.

- Toàn xã Vĩnh Quảng (Phú Thọ) đã biến 450 mẫu đồi trọc thành dải rừng với hơn 49 vạn cây. Và năm nay có kế hoạch trồng thêm 40 vạn cây nữa.

Năm nay khắp nơi chuẩn bị Tết trồng cây càng sôi nổi hơn mọi năm. Một điều đặc biệt là Đoàn Thanh niên Lao động 10 tỉnh và thành (như Hà Nội, Hải Phòng, Hồng Quảng, Hà Tĩnh, v.v.) đã quyết tâm nhận trách nhiệm làm đội quân chủ lực và đã chuẩn bị để trồng hơn 700 triệu cây. Như thanh niên Hải Dương thì định biến 1.500 mẫu tây đồi trọc thành rừng cây. Thanh niên Hưng Yên thì định trồng cây làm cho 100 cây số đường im mát và tươi đẹp, v.v.. Còn thanh niên các tỉnh khác thì thế nào?

Tết trồng cây năm nay khởi đầu như thế là rất tốt. Xin nhắc lại vài điểm để bà con chú ý thêm:

- Trồng cây cần có kế hoạch thật chu đáo: Nơi nào và mùa nào thì thích hợp trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lấy gỗ, cây lấy củi, cây phong cảnh, v.v..

- Cần động viên lực lượng quần chúng rộng rãi tham gia trồng cây ở nông trường, xí nghiệp, cơ quan, bộ đội, trường học, v.v.. Nhưng cần tổ chức những đội chuyên trách.

- Cần làm cho mọi người, nhất là làm cho các em nhi đồng biết bảo vệ tốt cây cối.

- Chăm sóc và sửa sang những hàng cây cũ cho xinh đẹp và sống tốt 100% (điều kiện thi đua do hợp tác xã Lạc Trung đề ra).

- Mỗi năm nên có vài đợt kiểm tra lẫn nhau giữa tỉnh này với tỉnh khác, huyện này với huyện khác... Tỉnh nào có kết quả tốt nhất sẽ được Chính phủ khen thưởng, huyện nào tốt sẽ được tỉnh khen thưởng...

- Các chi bộ và chi đoàn thanh niên cần phải lãnh đạo chặt chẽ và thường xuyên.

Tết trồng cây chẳng những có ý nghĩa kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị to lớn. Trong lúc bọn Mỹ - Diệm dã man bỏ thuốc độc phá hoại cây cối núi rừng ở miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng. Chỉ một việc đó cũng đủ làm cho người ta so sánh giữa hai chế độ ta và địch, và nhận rõ sự tốt đẹp của chế độ ta. Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa.

T.L.

----------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3228, ngày 27-1-1963, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.19-21.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.