Năm nay hạn nặng. Có nơi như Hà Đông trong 8 huyện thì 4 huyện hạn gắt, Vĩnh Phúc thì suốt 5 tháng trời không mưa. Nhiều nơi ruộng khô nẻ như hàng vạn con vật đang há mồm đòi uống nước. Đó là một cuộc thử thách giữa trời và người.
Nhưng người quyết không chịu thua trời! Toàn Đảng, toàn dân ta đã quyết tâm đánh thắng giặc hạn. Đảng và Chính phủ đã phái nhiều đồng chí Trung ương và Bộ trưởng, Thứ trưởng về các nơi đôn đốc đồng bào và đã đưa hơn 2.500 máy bơm giúp những nơi bị hạn nặng. Các cấp ủy tỉnh và huyện đã về tận thôn, xã trực tiếp lãnh đạo nhân dân. Công nhân, bộ đội, học sinh, cán bộ, bà con hợp tác xã thủ công đều tham gia chống hạn. Đồng bào nông dân đã thực hiện "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa". Có tỉnh như Hà Đông, Hải Dương... mỗi ngày hàng chục vạn người khơi mương, tát nước, đào giếng, gánh nước; Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Đông... mỗi tỉnh đã đào hơn 1.000 giếng (nên đào thêm nữa). Trong chiến dịch chống hạn, thanh niên đã hăng hái làm đầu tàu, như Thái Bình có gần 2.600 đội thanh niên xung kích. Đồng bào chống hạn suốt ngày đêm, nước đến đâu, cấy đến đó. Những nơi không hạn hoặc hạn nhẹ đã giúp những nơi hạn nhiều. Nhờ đoàn kết phấn đấu mà chúng ta đã bước đầu thắng giặc hạn. Trong 240.000 mẫu tây bị hạn, hiện nay 211.000 mẫu đã có nước cấy. Toàn miền Bắc đã cấy được 95% ruộng chiêm (hơn 5% so với tháng 2-1962).
Nhưng đó chỉ là thắng lợi bước đầu. Chúng ta chớ tự cao, tự mãn, chớ chủ quan khinh địch. Hiện nay, giặc hạn còn chiếm cứ hơn 66.000 mẫu tây (trong đó phần lớn ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương) và nắng còn kéo dài. Chúng ta phải tiếp tục ra sức chống hạn.
Trong chiến dịch chống hạn này có những chuyện rất cảm động. Thí dụ: Hai đồng chí Nguyễn Văn Tình và Nguyễn Huy Tung (xã Ái Quốc, Hà Đông) tuy mù cả hai mắt, vẫn xung phong chống hạn 55 buổi. Cụ Phạm Văn Kích, 82 tuổi (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) đã xung phong chống hạn nhiều đêm để động viên con cháu. Các em học sinh miền Nam đã đưa hết lực lượng bé nhỏ của mình để giúp đồng bào chống hạn.
Nhưng cũng cần phê bình những người có thái độ tiêu cực. Như một số người ở Hải Hậu (Nam Định), ruộng ở gần nước mà không tát, đi làm việc khác để kiếm tiền.
Cùng với chiến dịch chống hạn, chúng ta phải kết hợp tốt những công việc sau đây: làm cỏ, sục bùn, bón phân, diệt sâu, phát triển thêm hoa màu, săn sóc cây công nghiệp, đẩy mạnh việc chăn nuôi. Nơi nào không còn điều kiện cấy chiêm thì phải có kế hoạch kịp thời chuyển vụ sang hoa màu hoặc lúa Nam Ninh xuân.
Với sức đoàn kết chiến đấu của toàn dân, có hợp tác xã nông nghiệp làm đồn lũy mạnh mẽ, chúng ta quyết đánh thắng giặc hạn đến cùng, quyết bảo đảm vụ Đông Xuân thắng lợi.
T.L.
----------------------------
- Báo Nhân Dân, số 3260, ngày 28-2-1963, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.36-37.