Trong phiên họp vừa rồi, Quốc hội ta đã "nhất trí tán thành sự đánh giá của Chính phủ về những thắng lợi to lớn... mà nhân dân miền Bắc nước ta đã giành được trong những năm vừa qua". Những thắng lợi đó to lớn thật:

Về chính trị - Miền bắc đã hoàn toàn độc lập. Nhân dân ta đã làm chủ nước nhà. Chúng ta đã là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Thật là vẻ vang!

Về kinh tế và văn hóa - Sau 9 năm kháng chiến anh dũng, thực dân Pháp bị tống cổ đi, nhưng chúng đã để lại ở nước ta một tình trạng cực kỳ khốn đốn: Thành thị tiêu điều. Nông thôn xơ xác. Nhân dân đói rách. Kinh tế điêu tàn.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với sự cố gắng vươn lên của nhân dân và có sự giúp đỡ tận tình của các nước anh em, chúng ta đã hàn gắn hết vết thương chiến tranh và giành được thắng lợi to lớn. Bà con so sánh những con số sau đây thì rõ:

1955

1963

Công nghiệp:

- Nhà máy

81 cái[1]

1.103 cái

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp

310 triệu đồng

2.377 triệu đồng

Nông nghiệp:

- Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp

1.817 triệu đồng

2.480 triệu đồng

- Diện tích trồng lương thực và cây công nghiệp

2.626.000
mẫu tây

3.177.000
mẫu tây

- Xây dựng cơ bản

140 triệu đồng

723 triệu đồng

Văn hóa, giáo dục:

- Sinh viên đại học

1.191 người

31.600 người

- Học sinh trung học

2.500 người

69.800 người

- Phổ thông

716.000 người

3.056.000 người

Rõ ràng là 9 năm dưới chế độ ta đã tiến bộ hơn 90 năm thuở trước!

So sánh tình hình một địa phương thì thắng lợi càng rõ rệt:

Quảng Bình trước đây là một tỉnh nghèo nhất ở miền Bắc. Đói kém là nạn kinh niên. Năm 1957 cả tỉnh mới có một hợp tác xã nông nghiệp với 30 hộ, diện tích trồng trọt chỉ có non 58.700 mẫu tây. Cả năm thu hoạch lương thực 87.240 tấn.

Năm 1962, hơn 96% nông hộ đã vào hợp tác xã, 81% là hợp tác xã toàn thôn. Diện tích trồng trọt tăng lên 85.425 mẫu tây. Thu hoạch lương thực 114.080 tấn.

Tổng giá trị công nghiệp và thủ công nghiệp năm 1957 là hơn 15 triệu rưỡi đồng, năm 1962 là gần 25 triệu rưỡi đồng.

Ngày trước, hầu khắp nông thôn đều là nhà tranh vách đất. Năm 1962, hơn 66.000 hộ có nhà gỗ, hơn 11.200 hộ có nhà ngói. Mức sống của nhân dân đã cải thiện hơn trước nhiều.

Trong khi giành được thắng lợi lớn như thế, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn, những khó khăn tạm thời trong bước trưởng thành, thí dụ: Cơ sở vật chất và kỹ thuật còn yếu. Trình độ quản lý còn kém. Năng suất lao động còn thấp. Diện tích ruộng đất còn hẹp. Sản lượng mùa màng thường bấp bênh...

Chính vì để khắc phục những khó khăn đó mà Đảng và Chính phủ ta đề ra 3 cuộc vận động lớn:

- Cuộc vận động "Cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc".

- Cuộc vận động "Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu".

- Cuộc vận động "Đồng bào miền xuôi đi tham gia phát triển kinh tế và văn hóa ở miền núi".

Toàn dân ta phải nâng cao tinh thần làm chủ, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà, kết hợp thật chặt chẽ phong trào thi đua yêu nước với 3 cuộc vận động ấy. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên phải xung phong gương mẫu. Như vậy thì chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn và giành được thắng lợi nhiều hơn nữa, to hơn nữa.

T.L.

---------------------------

- Báo Nhân Dân, số 3353, ngày 2-6-1963, tr.1.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.116-118.


[1]. Những nhà máy đó đều bé nhỏ, cũ kỹ, lại bị Pháp phá phách trước khi chúng chuồn (TG).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.