Năm 1925, "Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí" thành lập ở Quảng Châu. Mục đích của Hội là chuẩn bị điều kiện để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản.
Hội đã quyết định bồi dưỡng một nhóm trẻ em làm hạt nhân cho phong trào nhi đồng cách mạng sau này. Lúc đó không thể đưa trẻ em trong nước ra. Hội bèn chọn lấy 10 em gái và trai, con Việt kiều ở Xiêm đưa đến Quảng Châu, trong số đó có em Trọng 11 tuổi.
Em tên thật là Lê Văn Trọng. Để giới thiệu các em vào trường tiểu học (thuộc Trường đại học Tôn Trung Sơn), đồng chí Lý Thụy nhận các em là họ hàng thân thích. Vì vậy em Trọng cũng như các em khác đều đổi thành họ Lý.
Để nuôi các em ăn học, một phần do đồng chí Lý Thụy phụ trách, một phần do các đồng chí Trung Quốc giúp đỡ. Các em không phải đi bán báo để lấy tiền nuôi mình, như có người đã nói sai[1].
Em Trọng thông minh, vui tính, siêng học, siêng làm; vóc người thấp nhỏ nhưng cứng cáp. Cho nên anh em quen gọi là "Trọng con".
Năm 1927, bọn Quốc dân Đảng phản lại cách mạng, khủng bố những người cộng sản một cách rất dã man. Trường Tôn Trung Sơn bị đóng cửa. Nhiều sinh viên gái và trai bị bắt, bị giết. Các đồng chí Việt Nam người thì phải trốn khỏi Quảng Châu, người thì rút vào bí mật, người thì bị bắt bỏ tù. Kỷ luật trại giam rất ngặt. Chúng cấm không cho bà con các chính trị phạm vào thăm.
"Trọng con" lân la làm quen với những người gác ngục, rồi tìm cách vào thăm các đồng chí Việt Nam và đặt được mối liên lạc bí mật. Thế là em Trọng bắt đầu hoạt động cách mạng.
Em không hề bị bắt ở Quảng Châu[2].
Ba năm sau, "Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí” bí mật rời đến Hương Cảng. Lý Tự Trọng làm việc liên lạc bí mật với anh em thủy thủ trên các tàu từ Hương Cảng đi Thượng Hải, Sài Gòn và đi Pháp.
Ít lâu sau, Trọng được phái về Sài Gòn, vẫn làm việc liên lạc bí mật. Lúc đó đoàn thể nghèo túng, thường thường Trọng phải làm công ở bến tàu để tự nuôi mình.
Năm 1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng ta quyết định tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản. Lúc đó đồng chí Trọng 16 tuổi, là người vào Đoàn đầu tiên mà cũng là người đầu tiên được giao nhiệm vụ tuyên truyền và tổ chức cho Đoàn.
Trong hoàn cảnh bí mật mà vừa phụ trách việc giao thông liên lạc của Đảng, vừa tuyên truyền tổ chức cho Đoàn, vừa lao động để tự nuôi mình - thật là gian nan! Nhưng đồng chí Trọng luôn luôn vui vẻ và làm tốt mọi việc.
Năm 1931, nhân ngày kỷ niệm Yên Bái khởi nghĩa, Đảng cử một số cán bộ đi tuyên truyền chớp nhoáng. Một đồng chí cán bộ đến diễn thuyết ở sân đá bóng Sài Gòn. Đồng chí Trọng thì phụ trách bảo vệ đồng chí cán bộ ấy. Khi đồng chí cán bộ bắt đầu nói chuyện với quần chúng thì bọn ma tà ập đến, dẫn đầu chúng là một tên mật thám Tây. Để cho người cán bộ chạy thoát, đồng chí Trọng bắn chết tên chó săn Tây. Nhưng đồng chí Trọng lại bị bắt. Hôm đó là mồng 8-2-1931.
Sau mấy trận bị bọn Pháp tra tấn cực kỳ dã man, đồng chí Trọng chết đi sống lại nhưng không khai một lời mà chỉ hô những khẩu hiệu cách mạng.
Để chúng khỏi tra tấn mãi, đồng chí Trọng cắn cho lưỡi sưng phù lên.
Trong quyển Đông Dương kêu cứu nêu những tội ác của thực dân Pháp, bà Viôlít (một ký giả Pháp nổi tiếng) đã viết chuyện về đồng chí Trọng đại ý như sau:
Khi dẫn bà đến thăm đồng chí Trọng ở xà lim những người bị án tử hình, người Pháp gác ngục ngậm ngùi nói với bà rằng: Y không khỏi kính trọng dân tộc Việt Nam vì đã có những người con oanh liệt như Trọng. Y không khỏi xấu hổ cho người Pháp tự xưng là văn minh mà đã tra tấn dã man một thanh niên như Trọng. Làm một người cha, y không nén nổi lòng thương xót một người bằng lứa con mình như Trọng...
Sau gần 10 tháng vô cùng đau khổ, ngày 21-11-1931, Lý Tự Trọng, người thanh niên anh hùng 17 tuổi, bị lũ thực dân Pháp đưa lên máy chém! Để tỏ lòng thương tiếc đồng chí Trọng, luôn mấy hôm, anh em trong ngục đã tuyệt thực và hô vang khẩu hiệu chống thực dân Pháp.
Đồng chí Lý Tự Trọng đã nêu gương chân chính cách mạng cho chúng ta noi theo. Ngày nay, được Đảng giáo dục, có Đoàn dắt dìu, thanh niên chúng ta phải xung phong gương mẫu trong đạo đức, trong sinh hoạt, trong học tập, trong lao động; phải thực hiện khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".
Như thế, chúng ta mới xứng đáng là thế hệ thanh niên xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa vẻ vang.
CHIẾN SĨ
---------------------
- Báo Nhân Dân, số 3649, ngày 26-3-1964, tr.1.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.268-270.
[1]. Trong sách Những người sống mãi chép sai (TG).
[2]. Trong sách Những người sống mãi chép sai (TG).