Trong phong trào nhân dân Pháp chống chiến tranh ở Việt Nam, thanh niên Pháp rất hoạt động. Vì vậy, anh Hăngri Máctanh, chị Raymông Điêng và nhiều thanh niên khác đã bị tù (nhờ nhân dân Pháp đấu tranh mạnh, nay đã được tha).

Tại Đại hội liên hoan thanh niên thế giới ở Thủ đô nước Rumani, hồi tháng 8, có 3.500 đại biểu thanh niên Pháp, trong đó có đủ các tầng lớp và các tôn giáo. Sau một cuộc gặp gỡ rất thân mật với đoàn đại biểu thanh niên Việt, đoàn đại biểu thanh niên Pháp đã thông qua một quyết nghị, tóm tắt như sau:

“Chúng tôi có hân hạnh lớn được gặp thanh niên Việt - Miên - Lào. Trong lúc chúng tôi hôn nhau như anh em, thì chiến tranh tàn nhẫn vẫn tiếp tục ở Đông Dương.

“Chúng tôi sung sướng cảm thấy rằng thanh niên Việt - Pháp rất gần gũi nhau, có thể hiểu biết nhau và lập mối quan hệ thân thiết lâu dài với nhau. Vì vậy, cuộc gặp gỡ này cũng như một hành động hòa bình, như một sự khuyến khích thanh niên Pháp phát triển đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam... Thanh niên Pháp sẽ đấu tranh không ngừng, để đòi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh là đại biểu chân chính của nhân dân Việt Nam...

“Hòa bình ở Việt Nam và nối lại mối quan hệ kinh tế và văn hóa với Việt Nam, thì nước Pháp sẽ gây được cảm tình thân thiện với một dân tộc lớn. Hòa bình ở Việt Nam thì nước Pháp có thể xây dựng đời sống của mình với số tiền bạc khổng lồ mà hiện nay đang hoang phí vào chiến tranh. Hòa bình ở Việt Nam là lợi ích chung của thanh niên chúng ta, là lợi ích chung của hai Tổ quốc chúng ta”.

Chiến tranh xâm lược mà thực dân Pháp theo đuổi ở Việt Nam là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Nhân dân thế giới, nhất là nhân dân Pháp đều phản đối. Quân đội thực dân Pháp không có chỗ dựa. Trái lại, cuộc kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, lại được nhân dân Pháp và nhân dân lao động thế giới ủng hộ. Vì vậy, địch nhất định thua, ta nhất định thắng.

C.B.
----------

- Báo Nhân Dân, số 144, từ ngày 26 đến ngày 31-10-1953, tr.2

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.317-318.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.