Thanh niên Trung Quốc đang thi đua thực hiện 2 khẩu hiệu: “Tiến quân vỡ thêm ruộng đất”, “Tiến quân khắc phục khó khăn”.

Ngoài những đội Thanh niên xung phong ở các xí nghiệp, ở trong bộ đội, ở các trường học, 16 tỉnh đã có những đội xung phong vỡ ruộng hoang, gồm có hàng vạn thanh niên gái và trai.

Những đội thành lập sớm hơn, như đội thanh niên Bắc Kinh đã vỡ được 1.200 mẫu đất, cắt được 24 vạn cân cỏ, làm được 15 cái nhà và 8 cái chuồng trâu, bò. Đội Liêu Ninh vỡ được 890 mẫu tây đất.

Để thỏa mãn ý nguyện của thanh niên, Đoàn thanh niên các địa phương đã đặt việc động viên thanh niên vỡ hoang thành một công tác quan trọng nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và với sự phối hợp của các ngành, các đoàn thanh niên đã đặt kế hoạch phân phối đội nào vỡ hoang ở đâu và mấy mẫu. Thí dụ: Tỉnh đoàn Cát Lâm định trong 2 năm sẽ động viên 10 vạn thanh niên vỡ hoang 5 vạn mẫu tây, Tỉnh đoàn Phúc Kiến định xây dựng một nông trường tập thể của thanh niên…

Hơn 120 vạn thanh niên và nhi đồng tỉnh Nhiệt Hà thì tham gia việc trồng cây gây rừng. Hai năm qua, họ đã trồng được 1.354 vùng “rừng thanh niên”, cộng 2 vạn 5.076 mẫu, với 3 vạn 4.597 nghìn cây. Theo lời kêu gọi của Đại hội “Những thanh niên hăng hái xây dựng xã hội chủ nghĩa” họp vào tháng 9 năm ngoái, thanh niên các tỉnh khác đã trồng được 750 vùng rừng, cộng 1 vạn 5.320 mẫu với 1 vạn 3.543 nghìn cây. Thanh niên và nhi đồng tỉnh Nhiệt Hà định trồng thêm (trong năm nay và năm sau) 3.878 vùng rừng, cộng 9 vạn 9.318 mẫu với 8 vạn 3.375 nghìn cây,…

Mong rằng thanh niên Việt Nam ta cố gắng học tập anh em thanh niên Trung Quốc, mở rộng và củng cố phong trào thanh niên xung phong khắp nơi để giúp sức hoàn thành “Kế hoạch Nhà nước năm 1956” đúng mức và vượt mức.

C. B.
------------
Báo Nhân Dân, số 681, ngày 13-1-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.