Lấy sự thật mà so sánh là cách tốt nhất để thấy rõ: Chủ nghĩa tư bản đã suy đồi, chủ nghĩa cộng sản thật vĩ đại.

Đầu năm ngoái, khi lên làm Tổng thống Mỹ, Kennơđi tuyên bố:

“Tình hình kinh tế của Mỹ thật đáng lo ngại. Chúng ta lên nắm chính quyền sau 7 tháng kinh tế tiêu điều, 3 năm rưỡi kinh tế đình trệ, 7 năm kinh tế phát triển chậm, 9 năm thu nhập của nông dân giảm sút (25%), xí nghiệp phá sản tăng đến mức rất cao, công nhân thất nghiệp tăng đến con số xưa nay chưa từng thấy” (hơn 5 triệu người).

Năm 1961 đã như vậy. Năm 1962 sẽ ra sao?

Dự đoán tình hình năm nay, tờ báo đại tư bản Mỹ Phố Uôn viết: “tình hình bấp bênh làm cho những lời dự đoán lạc quan trở nên mờ ám. Những khả năng bi đát có thể thấy trước là: nhiều cuộc bãi công sẽ nổ ra (năm ngoái ở Mỹ có hơn 3.300 cuộc bãi công, với 1 triệu 45 vạn người tham dự); nạn lạm phát sẽ trầm trọng; giá sinh hoạt sẽ đắt đỏ; dự trữ vàng sẽ chạy ra nước ngoài; một cuộc bãi công lâu dài trong ngành gang thép sẽ làm cho kinh tế 6 tháng cuối năm càng sa sút”. Cơ quan “nghiên cứu khoa học và kinh tế” của nước Anh thì dự đoán: “Trong vòng 20 năm sau, ở các nước tư bản vì thêm nhiều máy tự động mà ít nhất sẽ có 60% tổng số công nhân bị thất nghiệp”.

Trong 10 năm qua, trong ngành gang thép Mỹ, máy móc tự động đã làm cho 50 vạn công nhân thất nghiệp và nửa thất nghiệp. Thế là khoa học kỹ thuật trở thành kẻ thù của công nhân.

Trong tổng sản lượng công nghiệp cả thế giới, năm 1917 Liên Xô chỉ chiếm 3%, năm 1937 lên 10%. Đến năm 1960 cả phe xã hội chủ nghĩa đã chiếm 36%.

Sản lượng công nghiệp của Liên Xô tăng rất nhanh. Thí dụ: về ngành đúc thép, năm 1955 là 33 triệu tấn, năm 1961 tăng lên hơn 71 triệu tấn. Năm 1962 dự tính là gần 77 triệu tấn.

Tổng sản lượng trong một năm 1961 (năm thứ tư của kế hoạch 7 năm) gần ngang bằng sản lượng của cả kế hoạch 5 năm (1946-1950) cộng lại.

Hiện nay trong tổng sản lượng công nghiệp cả thế giới, chỉ Liên Xô đã chiếm 1 phần 5, tức là nhiều hơn cả 7 nước Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan, Canađa cộng lại. Trong 20 năm tới, Liên Xô sẽ xây dựng hàng nghìn nhà máy mới; và công nghiệp, nông nghiệp, v.v. sẽ tự động hóa trong cả nước. Tự động hóa càng mở rộng thì sản xuất càng tăng nhiều, giờ lao động càng được rút ngắn, ngày nghỉ ngơi càng được thêm dài, đời sống của người lao động càng được thư thái.

Nông nghiệp Liên Xô cũng phát triển rất mạnh. Trong 7 năm qua, nông trường quốc doanh từ 15 triệu mẫu tây đã tăng đến 80 triệu mẫu.

Đến tháng 10-1961, Nhà nước đã thu mua 50 triệu rưỡi tấn ngũ cốc, tức là nhiều hơn năm trước 5 triệu 80 vạn tấn. Riêng Cộng hòa Ucơren đã bán cho Nhà nước một số ngũ cốc hơn gấp đôi năm 1960 (1960 non 5 triệu tấn, 1961 ngót 14 triệu tấn).

Về việc vỡ hoang - 5 năm qua đã vỡ được gần 42 triệu mẫu tây. Không kể trồng trọt những thứ khác và chăn nuôi, ruộng mới vỡ đã sản xuất bình quân mỗi năm hơn 32 triệu rưỡi tấn ngũ cốc.

Trên đà thắng lợi đó, Đại hội thứ XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô đã thông qua kế hoạch xây dựng chủ nghĩa cộng sản: trong vòng 20 năm nữa, sản lượng công nghiệp sẽ tăng gấp 6 lần, và sản lượng nông nghiệp gấp 3 lần rưỡi hiện nay.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân Liên Xô đang hăng hái thi đua, quyết đạt mục đích đó. Cuối năm ngoái, đã có 800 xí nghiệp, hơn 19 vạn đội sản xuất, hơn 20 triệu người đã tham gia thi đua để giành danh hiệu cao quý là: “Lao động cộng sản chủ nghĩa”.

Cương lĩnh mới của Đảng Cộng sản Liên Xô có nói: “Chủ nghĩa cộng sản đang hoàn thành một nhiệm vụ lịch sử: giải phóng con người khỏi mọi sự không công bằng, khỏi mọi hình thức áp bức và bóc lột. Nó sẽ xây dựng trên quả đất này: hòa bình, lao động, tự do, bình đẳng, hữu nghị và hạnh phúc cho tất cả các dân tộc”.

Thật là vĩ đại!

T.L.

---------------------------

Báo Nhân Dân, số 2852, ngày 12-1-1962, tr.1.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.