Có ai nghĩ rằng các "xừ"[1] thực dân cá mập lại có thể giúp ta hiểu "thế nào là công nghiệp hóa?". Vậy mà sự thật lại có như thế đấy! Cố nhiên đây là sự thật nhìn về mặt trái của nó.
Thực dân Pháp chiếm nước ta hơn một nửa thế kỷ. Nhưng số nhà máy mà chúng xây dựng trên đất nước ta thì có thể đếm được trên đầu ngón tay. Công nghiệp không được mở mang, thì nông nghiệp lạc hậu vẫn hoàn lạc hậu. Từ cái kim, sợi chỉ, nhân dân ta đều phải mua của nước ngoài. Trước hết là mua của Pháp! Như vậy thì còn nói gì đến độc lập, tự chủ! Thật là thâm độc!
Nhưng cũng chưa thâm bằng đế quốc Anh. Ấn Độ trước đây là một nước thuộc địa của Anh. Thực dân Anh đã mở mang ở đây khá nhiều công nghiệp. Nhưng vẫn tuyệt nhiên không có công nghiệp làm ra máy móc, gang thép, v.v.. Vì vậy, những nhà máy của Ấn Độ vẫn bị phụ thuộc vào nước ngoài: Không có máy móc, phụ tùng, chất đốt, hóa chất, v.v., thì nhà máy cũng bị tê liệt.
Các ngành công nghiệp làm ra máy móc, gang thép, than, dầu, hóa chất, v.v., gọi chung là công nghiệp nặng. Công nghiệp nặng là đầu mối để mở mang các ngành công nghiệp khác và cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Cho nên, chưa có công nghiệp nặng, thì chưa thể gọi là công nghiệp hóa. Chưa có công nghiệp nặng, thì chưa thể có một nền kinh tế tự chủ và giàu mạnh được.
Ngày nay, với sự giúp đỡ của các nước anh em, chúng ta không những đang xây dựng nhiều nhà máy làm ra những thứ cần cho đời sống, mà cũng đã bắt đầu xây dựng một số nhà máy làm ra máy móc, gang thép, v.v.. Đó là một bước đầu để làm cho khắp miền Bắc nước ta:
Núi rừng có điện thay sao,
Nông thôn có máy làm trâu cho người [2].
Xây dựng một nền công nghiệp đầy đủ như trên không phải là dễ. Các nước tư bản phương Tây đã phải mất mấy trăm năm. Chúng ta đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, chúng ta có thể rút ngắn lại vào khoảng mười lăm năm. Nhưng phải cố gắng nhiều, phải phấn đấu gian khổ. Năm nay, chúng ta phải hoàn thành tốt kế hoạch ba năm để đưa kinh tế miền Bắc tiến lên một bước nữa. Sang năm, chúng ta sẽ bắt đầu kế hoạch năm năm lần thứ nhất: Kế hoạch dài hạn đầu tiên của thời kỳ công nghiệp hóa nước nhà theo chủ nghĩa xã hội.
C.K.
----------------------
- Báo Nhân Dân, số 2136, ngày 22-1-1960, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.449-450.[1] “Xừ”, tức “Monsieur” (Ngài). Đây là cách chơi chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (BT).