Trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa chúng ta, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc ăn Tết Nông lịch. Trong mấy ngày Tết, ta có thói quen đốt các thứ pháo, cả pháo thăng thiên (pháo lên trời).

Như để giúp cho Xuân Nông lịch của ta thêm vui, hai hôm trước Tết (12-2-1961), Liên Xô anh em đã phóng lên trời, lên sao Kim một trạm du hành vũ trụ.

Lại thêm một thắng lợi cực kỳ to lớn của Liên Xô, của phe ta!

Chắc bà con ta còn nhớ: Đầu tháng 10-1957, lần đầu tiên trên lịch sử loài người, Liên Xô đã thành công phóng quả vệ tinh số 1. Thắng lợi đó đã làm cho cả thế giới rung động và làm cho đế quốc Mỹ ngẩn cả người ra.

Từ đó đến nay, Liên Xô tiếp tục phóng nhiều vệ tinh và nhiều tên lửa ngày càng to, ngày càng nặng, ngày càng xa, ngày càng kỳ. Vài thí dụ:

- Vệ tinh đầu tiên chỉ nặng hơn 83 kilô.

- Vệ tinh thứ bảy nặng 6.483 kilô (phóng hôm 4-2-1961).

- Tháng 9-1959, tên lửa đã trịnh trọng đặt Quốc huy Liên Xô vào mặt trăng. Thắng lợi này đã làm cho:

Vừng trăng như sẻ làm đôi,

Người thì vui sướng, kẻ bơi vơi lòng.

Nhân dân lao động khắp thế giới thì vui mừng, vì chủ nghĩa cộng sản đã bắt đầu chinh phục cả ông trăng. Bọn đế quốc thực dân thì đau lòng, vì chúng ghét cộng sản, nhưng không chạy đâu cho khỏi thấy ông trăng tuyên truyền cộng sản!

Tuy trong ba năm qua, Liên Xô đã nhiều lần đạt những thắng lợi vô cùng to lớn về khoa học vũ trụ, việc phóng trạm du hành mang Quốc huy Liên Xô lên sao Kim vẫn làm cho phương Tây chấn động, kinh hoàng.

Để ca ngợi thành công đó, các báo chí và các nhà khoa học phương Tây đã dùng những chữ như: “kỳ diệu”, “tuyệt vời”, “ghê quá”, “không thể tưởng tượng”, v.v.. Một hãng thông tin Anh viết: Với cách tính toán giỏi như khoa học vũ trụ Liên Xô, thì có thể bắn trúng một con ruồi bay cách xa 1.600 thước!

Mỹ cũng buộc phải nhận rằng: “Ít nhất cũng phải ba năm nữa, Mỹ mới đuổi kịp Liên Xô về môn này”.

Nhưng trong thời gian đó, Liên Xô có đứng im một chỗ để chờ Mỹ đâu!

Khi sao Kim đi cách quả đất xa nhất là 255 triệu cây số. Khi gần nhất thì chỉ độ 45 triệu cây số thôi. Một người đi bộ giỏi, mỗi ngày đi 40 cây số, thì đi 1.125 năm sẽ đến. Trạm du hành vũ trụ bắt đầu đủng đỉnh bay từ hôm 12-2, khoảng cuối tháng 5 năm nay nó sẽ đến khu vực sao Kim. Cũng khá nhanh đấy nhỉ!

Trong lúc khoa học Liên Xô phóng các vệ tinh nhằm chinh phục vũ trụ, để phục vụ hạnh phúc loài người, thì hôm 2-2-1961, Mỹ cũng phóng vệ tinh “SAMOS số 2”. Nhưng vệ tinh Mỹ thì nhằm thay thế cho thứ máy bay mật thám “U-2” để do thám thế giới, để chuẩn bị chiến tranh.

Hai chế độ, hai khoa học, hai mục tiêu.

Khoa học đế quốc Mỹ đã thua. Khoa học của Liên Xô đã thắng.

T.L.

------------

- Báo Nhân Dân, số 2525, ngày 17-2-1961, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.41-42.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.