Trong mọi cuộc thi đua đều phải nhằm: làm nhanh, làm tốt, làm rẻ. Ba điều đó phải cùng thực hiện với nhau, không rời nhau được. Vì:

Nếu làm nhanh mà không tốt, thì sẽ phải làm lại, như vậy nhanh cũng hóa ra chậm.

Nếu làm tốt mà không nhanh, thì sẽ làm được quá ít, và không kịp thời.

Nếu làm nhanh và tốt, nhưng không rẻ, tức là lãng phí, thì sẽ không đủ tiền của để tiếp tục công việc.

Việc đắp đê cũng vậy. Phải làm nhanh, cho xong trước mùa mưa. Phải làm tốt để bảo đảm chống lụt. Phải làm rẻ để khỏi lãng phí sức dân và của dân.

Nhưng có một số cán bộ không làm đúng như vậy. Thí dụ những việc nêu lên trong "Ý kiến bạn đọc" (Báo Nhân Dân ngày 14-6):

- Đê ngoại thành Hà Nội đắp xong trước kỳ hạn - thế là làm nhanh. Nhưng mái đê đắp không kỹ, cỏ cấy không đều, sau vài trận mưa thì đê sẽ sụt - thế là không làm tốt. Nay cần phải sửa lại, phải tốn thêm công, tốn thêm của lần nữa - thế là không làm rẻ. Không tốt và không rẻ, thì làm nhanh cũng vô ích.

- Đê Bất Bạt (Sơn Tây) thì cỏ khô héo hết, vì thành đê đứng quá, cỏ không bám được, không mọc được. Nhiều đoạn có đường cái vắt ngang, đê đắp không được cẩn thận, dễ vỡ và sụt dần.

Đắp đê, giữ đê là việc rất quan hệ đến tính mệnh, tài sản của nhân dân. Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến việc ấy. Nhân dân bao giờ cũng hăng hái góp của, góp công. Vì ai mà có những khuyết điểm nói trên? Bởi vì một số cán bộ ta còn mắc bệnh quan liêu: Làm kế hoạch không cẩn thận, việc kiểm tra không chu đáo...

Mong rằng các đồng chí cán bộ đê điều nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, và cán bộ các ngành khác cũng vậy.

C.B.

------------

- Báo Nhân Dân, số 476, ngày 22-6-1955, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.2-3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.