Chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc là cụ Bế Văn Thạch (huyện Na Rì - Bắc Kạn), gửi lên Hồ Chủ tịch một bức thư như sau:

“Tôi rất cảm ơn Hồ Chủ tịch và Chính phủ đã tặng cho tôi Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Tôi có ba người con trai đều đi bộ đội cả. Ở nhà, tuy chỉ có hai vợ chồng già, một con dâu và một cháu nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng tăng gia sản xuất, cho nên cả nhà được cơm no áo ấm, không đói rách như hồi Pháp thuộc...

“Tôi xin hứa: Vận động đồng bào địa phương tăng gia sản xuất và tiết kiệm, để dân no, bộ đội no, đánh thắng nhiều. Vận động đồng bào tham gia chỉnh lý thuế nông nghiệp, để đóng góp được hợp lý, công bằng, và phục vụ kháng chiến.

“Tôi đã so sánh thuế nặng nhẹ, cho bà con rõ:

“Hồi Pháp thuộc, gia đình tôi tuy là bần nông, đã phải đóng sưu và thuế (không kể những khoản tiền mất cho chánh tổng, lý trưởng), tính ra thóc là 1.650 cân.

“Ngày nay, chúng tôi là trung nông, mà chỉ đóng 400 cân.

“Nộp xong thuế, còn đủ ăn quanh năm, và thừa đôi chút để giúp những bà con thiếu thốn...”.

Thế là hồi nước ta chưa được giải phóng, dân ta phải đóng thuế cho Tây, nhiều gấp 4 lần để chúng hành hạ ta và làm giàu cho chúng. Thuế ngày nay chỉ bằng một phần tư, mà đóng để kháng chiến cứu nước, để làm những việc ích lợi cho dân. Vụ chiêm năm nay, nhiều tỉnh đồng bào đã đóng vượt mức, từ 5 đến 27 phần trăm. Xem con số này và bức thư cụ Thạch, thì thấy rõ thuế nông nghiệp không phải là nặng. Có nơi nặng, là vì một số cán bộ địa phương tự tư tự lợi, không công bằng hợp lý. Đó là một điều phải chỉnh đốn ngay.

C.B.

---------

- Báo Nhân Dân, số 146, từ ngày 6 đến ngày 10-11-1953, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.329-330.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.