Gạo là để tiếp tế cho nhân dân. Chính phủ luôn luôn lo cho nhân dân đủ gạo. Và gạo có đủ chứ không thiếu.

Song, có một bọn đầu cơ, ngày nào cũng kéo tất cả vợ chồng, cha mẹ, con cháu, anh em, người nhà lớn bé đến choán chỗ trước cửa Mậu dịch, để tranh mua gạo. Rồi họ bán lại ngay ở bên lề đường, với một giá đắt hơn. Làm như thế là “vi phú bất nhân”[1], là tranh bữa ăn của đồng bào, là bóp hầu bóp họng đồng bào, là không có lương tâm.

Những người đầu cơ ấy đã làm cho chính quyền vất vả, làm cho nhân dân thiệt thòi.

Nhân dân nên phê bình họ, giáo dục họ, ngăn cản không để họ làm những việc “ích kỷ hại nhân” như vậy. Chính quyền thì nên dùng cách bán gạo cho hợp lý, bán theo vé hoặc bán theo sổ gia đình, làm thế nào nhân dân ai cũng đủ gạo, chứ không để những người đầu cơ làm giàu.

Chính quyền và nhân dân hợp sức lại thì nhất định chặn được tay của bọn đầu cơ và nhân dân nhất định có gạo đầy đủ.

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 324, ngày 19-1-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.263.

[1]. Vi phú bất nhân: Nghĩa là làm giàu bằng cách vô nhân đạo, bất nhân bất nghĩa.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.