Thưa Ngài,

Hôm 23-2-1956, khi Thượng nghị viện Pháp bàn vấn đề Việt Nam, nhiều nghị viên đã than phiền rằng: Nước Pháp bị Mỹ-Diệm hất cẳng về mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế…

Nghị viên Ha-mông đã nói: “Về miền Nam thì những người quan sát Mỹ cũng nhận rằng chính quyền Diệm yếu đuối và Diệm đã bị cô lập, phần lớn nhân dân miền Nam và các giáo phái đều chống Diệm”.

Ông Ha-mông tiếc rằng: “Chính phủ Pháp đã có phái đoàn đại diện ở Hà Nội, mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có phái đoàn đại diện ở Pa-ri”.

Trả lời các nghị viên và các nhà báo, Ngài nói: “Chính phủ Pháp không có hiềm thù (hostile) với miền Bắc, và mong có quan hệ thân thiện, nhưng với điều kiện là có lợi cho cả hai bên”.

Nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa hoan nghênh lời nói ấy của Ngài, và mong lời nói ấy biến thành hành động thực tế.

Về vấn đề miền Nam, Ngài nói: “Pháp đã cam kết với Mỹ về sự ủng hộ Diệm, dù trong thâm tâm, Pháp không tán thành việc đó… Có lẽ cam kết như vậy là sai lầm… Kết quả là Pháp đã thua cả hai mặt”.

Ngài nói thêm: “Mỹ ra sức hất cẳng Pháp, thế là Mỹ sai lầm to”. Rồi Ngài kết luận: “Những việc ấy sẽ được thảo luận ở hội nghị Ka-ra-si”.

Đối với nhân dân Việt Nam, những câu trả lời của Ngài thật ra là những câu hỏi lúng túng:

- Đã biết rằng Diệm nắm chính quyền sẽ có hại cho Pháp, vì sao Chính phủ Pháp lại nỡ lòng hy sinh lợi ích của nước Pháp mà cam kết với Mỹ ủng hộ Diệm?

- Lịch sử đã chứng tỏ rằng giữa các nước đế quốc, chính sách duy nhất là tìm cách hất cẳng lẫn nhau. Vì sao Chính phủ Pháp ngây thơ đến nỗi: trước thì rước Mỹ vào tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, sau thì chịu Mỹ hất cẳng mà không cụ cựa?

- Ai cũng biết rằng Hội nghị Giơ-ne-vơ (1954) đã đưa lại hòa bình cho Đông Dương, còn khối Đông Nam Á (SEATO) do Mỹ cầm đầu là một tổ chức nhằm mục đích xâm lược. Để giải quyết vấn đề Việt Nam, chỉ có một cách tốt nhất là khai một cuộc Hội nghị Giơ-ne-vơ mới, như các Chính phủ Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Ba Lan… đã đề nghị. Nhưng Ngài lại đưa vấn đề Việt Nam bàn ở một cuộc hội nghị SEATO - điều đó thật là trái lẽ.

- Hội nghị SEATO không có quyền giải quyết vấn đề Việt Nam, vì nó là một khối xâm lược, vì ở đó vắng mặt nhiều nước liên quan với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

- Ngài bàn với ai? Bàn với Mỹ chăng? Thì chính Mỹ và Diệm đã cố ý phá hoại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, chính Mỹ và Diệm đã hất cẳng Pháp.

Nghị viên Ha-mông nói rất đúng: Thái độ mập mờ của Chính phủ Pháp làm cho nhân dân Việt Nam và nhân dân châu Á tự hỏi: “Hoặc là Pháp thiếu thành thật khi ký tên vào Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Hoặc là Pháp đã bất lực để tôn trọng chữ ký ấy?”.

Thưa Ngài, nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn quý mến nhân dân Pháp, luôn luôn sẵn sàng tăng cường quan hệ thân thiện với nước Pháp trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng và hai bên đều có lợi. Và chúng tôi tin rằng: Một chính phủ Pháp do Đảng Xã hội lãnh đạo sẽ ra sức phục vụ lợi ích của nước Pháp, lợi ích của chính nghĩa và hòa bình, hơn các chính phủ trước. Chính vì thế, mà chúng tôi đòi hỏi Chính phủ Pháp phải tôn trọng chữ ký của mình, phải thi hành đúng những điều khoản trong Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Kính chào xã hội chủ nghĩa!

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 731, ngày 4-3-1956, tr.2.

[1] Những chiến sĩ cách mạng Việt Nam có thể gọi một thủ lĩnh của Đảng Xã hội Pháp là “đồng chí”, dù đồng chí ấy là Bộ trưởng Ngoại giao

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.