Sir,

Tổng thống là người thừa kế những lãnh tụ vĩ đại của Mỹ, như Oa-sinh-tơn, Linh-côn, Ru-dơ-ven. Tự miệng Ngài cũng thường nói đến hòa bình, chính nghĩa... Như trong hành động thực tế đối với Việt Nam, Ngài đã làm trái ngược với chính nghĩa, hòa bình:

Ngài đã khuyến khích chính quyền miền Nam phá hoại hiệp nghị Giơ-ne-vơ, ngăn trở Việt Nam thống nhất.

Ngài đã cho đưa vào Miền Nam Việt Nam nhiều vũ khí, đạn dược và nhân viên quân sự Mỹ, với âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành một căn cứ quân sự và một thuộc địa của Hoa Kỳ.

Hôm 26-10, mượn tiếng chúc mừng ngày Ngô Đình Diệm "lên ngôi", Ngài đã phái tàu chiến và máy bay Mỹ xâm phạm hải phận và không phận của Việt Nam, hòng uy hiếp tinh thần phấn đấu của nhân dân Việt Nam.

Trong bức thư gửi cho Ngô Đình Diệm, Ngài đã viết: "Ở Hoa Kỳ, chúng tôi cầu chúc cho những người đang sống dưới chế độ nô dịch nay mai sẽ được thống nhất vào Việt Nam cộng hòa...". Nghĩa là Ngài cầu chúc miền Bắc độc lập, tự do sẽ bị đưa vào chính quyền độc tài của Ngô Đình Diệm. Như vậy là Ngài đã can thiệp vào nội trị của Việt Nam, đã làm trái với Hiến chương của Liên hợp quốc.

Nếu người Việt Nam can thiệp trắng trợn vào nội trị của Hoa Kỳ như vậy, thì nhân dân Hoa Kỳ nghĩ thế nào? Ngài nghĩ thế nào?

Nhà đại chính trị đồng thời là Tổng thống Mỹ (năm 1801-1809) là cụ Tô-ma Giép-phơ-xơn có nói rằng:... Nhưng chắc Ngài cũng nhớ những lời chí lý của cụ Giép, không cần chúng tôi nhắc lại.

Mặc dù Ngài cầu chúc thế nào, nhân dân Việt Nam kiên quyết phản đối sự can thiệp trắng trợn ấy. Nhân dân Việt Nam kiên quyết đoàn kết đấu tranh để thống nhất non sông gấm vóc của tổ tiên để lại cho mình, để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Chào Tổng thống.

Yours.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 974, ngày 4-11-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.