Gửi ông giống đực Bộ trưởng Ngoại giao giống cái Pháp [1]

Ngày 28-4, tại Quốc hội Pháp, ngài đã vu khống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa uy hiếp nước Lào. Và ngài tuyên bố rằng Chính phủ Pháp sẽ tăng cường sự giúp đỡ huấn luyện quân đội Lào để đối phó lại.

Trong lời tuyên bố đó, ngài đã mắc nhiều sai lầm:

- Việt Nam dân chủ cộng hòa và Lào là hai nước láng giềng. Chính sách ngoại giao của Việt Nam là chung sống hòa bình với tất cả các nước trên thế giới, trước hết là đối với các nước láng giềng như nước Lào. Nếu có vấn đề gì giữa hai nước, chúng tôi chủ trương giải quyết bằng cách thương lượng hòa bình, dựa trên tinh thần hữu nghị, trên tinh thần Hội nghị Băng Đung. Chúng tôi không cần đế quốc thực dân nào thò mũi vào đó.

"Nói phải có sách, mách phải có chứng". Dựa vào chứng cớ gì mà ngài dám vu khống Việt Nam uy hiếp nước Lào? Ai nói bịa đặt không có chứng cớ, tức là xỏ xiên.

Chắc là ngài hòng bắt chước chính sách của đế quốc Mỹ chia rẽ nhân dân châu Á, để dùng người châu Á đánh người châu Á. Nhưng chính sách ấy đã quá lỗi thời rồi, ngài ạ!

- Còn muốn dùng nhân viên quân đội thực dân Pháp để huấn luyện quân đội Lào, thì lại là một điều khôi hài và quái gở.

Vì suốt mấy mươi năm trời, nhân dân Lào đã đau khổ, quằn quại với sự "giúp đỡ" của thực dân Pháp. Chắc bà con Lào không cần sự "giúp đỡ" ấy nữa đâu.

Vả lại nhân dân Lào đã biết rõ oai phong "trăm trận trăm thắng" của quân đội thực dân Pháp ở Âu là Xêđăng, ở Á là Điện Biên Phủ, và hiện nay ở Phi là Angiêri.

- Khi nói "giúp đỡ" Lào, ngài đã không "sờ tay lên gáy", đã quên vấn đề Angiêri.

Tổng thống Đờ Gôn thường lặp đi lặp lại rằng: phải "kết nghĩa anh em" với Angiêri, Angiêri là một tỉnh của nước Pháp. Ở đây không bàn lời đó đúng hay là sai. Nếu Angiêri là "anh em" của Pháp, thì vì sao mỗi năm Pháp phải hao tổn gần 1.500 tỷ đồng phơrăng, và phải động viên 80 vạn binh sĩ để đánh nhau với "anh em" Angiêri? Hoặc là đế quốc thực dân Pháp đang thẳng tay đàn áp dân tộc Angiêri, một dân tộc nổi dậy đấu tranh giành tự do, độc lập của mình. Hoặc là Pháp đang lâm vào một cuộc nội chiến tàn khốc.

Nội chiến hay là chiến tranh thực dân, đường nào cũng là đường bế tắc.

Hơn bốn năm nay, đã có hàng chục vạn binh sĩ Pháp và Angiêri chết và bị thương. Hiện nay, có hơn một triệu người Angiêri lương thiện - đại đa số là người già, đàn bà và trẻ con - bị thực dân Pháp nhốt trong các trại tập trung dơ bẩn, đang bị đói rét, ốm đau, chết chóc. Trong những trại đó, trẻ con ốm chết như rạ [2], người lớn thì bị giam cầm, không được đi cày cấy, làm ăn. Hàng loạt xóm làng bị triệt hạ. Nhiều vùng ruộng đất bị bỏ hoang. Việc tàn ác dã man ấy, Chính phủ Pháp cũng phải thừa nhận.

Về việc tàn ác dã man thực dân Pháp đã và đang thi hành ở Angiêri, trong một bức thư giám mục Bađơrê (17-2-1959) đã đau đớn nói: "Những cuộc hành động quá tay, những cuộc giết người hàng loạt, những cuộc hiếp dâm, trộm cướp, đốt phá, trả thù, trẻ không tha già không từ, những cuộc giết chết tù binh và những người lương thiện bị bắt làm con tin… Những việc ấy đã bôi nhọ danh dự của quân đội và nước Pháp…".

Phải chăng ngài muốn đem những "chiến lược, chiến thuật" ấy để giúp huấn luyện cho bộ đội Lào?

Dù sao, bị sa lầy trong bể máu chiến tranh bẩn thỉu ở Angiêri mà còn ba hoa "giúp" người này người nọ, thật là "ốc không lo thân ốc, mà đi lo gốc rêu".

Nói thật không sợ mất lòng. Để kết thúc bức thư này, tôi trân trọng gửi lời chào - không phải đến ngài - nhưng đến nhân dân Pháp đang đấu tranh chống chiến tranh ở Angiêri.

T.L.

-------------------------------

Báo Nhân Dân, số 1877, ngày 6-5-1959, tr.4.


[1]. Dịch từ tiếng Pháp: Le ministre, La France, Le là giống đực, La là giống cái.

[2]. Ban điều tra của chính quyền Pháp ở Angiêri thừa nhận: chỉ trong trại giam X nhốt 1.200 người, thì có 900 trẻ con, ngày nào cũng có một đứa trẻ chết.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.