Thủ tướng Anh kiêm đồng Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ
về vấn đề Đông Dương

Thưa ngài,

Mùa hè năm kia, thực dân Pháp hoàn toàn thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Lúc đó, trên bờ hồ Lê-man, ngài đã góp một phần công lao trong việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ điều đó.

Vừa rồi, Tin tức Luân-đôn (31-1-1956) cho hay rằng:

“Chính phủ Anh luôn luôn tuyên bố trung thành với Hiệp định Giơ-ne-vơ… và mong rằng tất cả mọi điều khoản của hiệp định ấy được tôn trọng”.

Đó là thái độ rất đường hoàng của chính phủ một nước lớn!

Nhưng tin tức ấy lại nói thêm: chính phủ ngài “cho rằng dưới chế độ miền Bắc cũng như dưới chế độ Ngô Đình Diệm, khó mà thực hiện tổng tuyển cử tự do…”.

Câu này làm cho nhân dân Việt Nam rất ngạc nhiên, vì nó tỏ rằng:

- Lập trường của chính phủ ngài trước sau không nhất trí. Đoạn trước thì nói: “Chính phủ Anh mong rằng tất cả mọi điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ được tôn trọng”. Mà điều khoản cần được tôn trọng nhất trong Hiệp định Giơ-ne-vơ là tổng tuyển cử tự do khắp cả nước để thống nhất Việt Nam. Đoạn sau, chính phủ ngài lại nói “khó mà có tổng tuyển cử tự do”. Như thế chẳng là “đầu voi đuôi chuột” sao?

- Sự nhận xét của chính phủ ngài kém chính xác: Nếu ngài xem kỹ luật tổng tuyển cử của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và so sánh nó với cái “luật tuyển cử” của bọn Ngô Đình Diệm, thì ngài sẽ không “vơ đũa cả nắm” như vậy.

Luật tổng tuyển cử của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được toàn dân thảo luận, bổ sung, nhiệt liệt ủng hộ; và đã thực hiện tốt đẹp từ năm 1946 trong cả nước. Có thể nói rằng luật ấy cũng dân chủ như luật tuyển cử của nước Anh.

Còn cái gọi là “luật tuyển cử” của Ngô Đình Diệm thì cũng phát xít như luật tuyển cử của Hít-le. Nhân dân Việt Nam kịch liệt phản đối nó. Các nhân sĩ miền Nam cũng kịch liệt phản đối nó. Vài ví dụ:

Hôm 12-2-1956, đại biểu Đảng Cộng hòa, cũng là cựu Bộ trưởng miền Nam là ông Phan Quang Đán đã viết: “Trong tình hình chính trị hiện nay ở miền Nam, không thể nói đến tuyển cử tự do. Quyền tự do dân chủ chưa được công bố. Các phần tử chính trị không được phép lập đảng phái, không được tự do bày tỏ ý kiến của mình… Chính quyền miền Nam kiểm duyệt gay gắt các báo chí, sách vở; thậm chí dưới chế độ thực dân, kiểm duyệt cũng không gay gắt đến như thế. Vì vậy, cuộc tuyển cử của bọn Diệm hôm 4-3 chỉ là một cuộc gian dối, lừa bịp”. (Ông Đán đã bị Diệm bắt giam hôm 19-2-1956).

Hôm 14-2-1956, cựu Thủ tướng miền Nam Trần Văn Hữu cũng tuyên bố:

“Cuộc tuyển cử của bọn Diệm hôm 4-3-1956 sẽ không có giá trị gì hết, vì nó cũng gian dối như cuộc “trưng cầu dân ý” hồi tháng 10-1955”.

Thưa ngài,

Trăm lời nói không bằng một việc làm thật sự. Để tỏ rõ miền Bắc hay là miền Nam có tự do dân chủ, chúng tôi đề nghị thế này:

Chính quyền Ngô Đình Diệm sẽ phái người (nhiều mấy cũng được) ra miền Bắc. Nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đảm bảo sự an toàn của họ, và cho họ quyền hoàn toàn tự do tuyên truyền tổng tuyển cử.

Chúng tôi chỉ đòi một điều kiện là: chính quyền Diệm cũng đảm bảo cho đại biểu miền Bắc như vậy.

Nếu ngài công khai tán thành đề nghị ấy, thì ngài sẽ giúp một phần giải quyết vấn đề Việt Nam, đồng thời cũng giúp chính phủ ngài trung thành với lời nói của mình, trung thành với Hiệp định Giơ-ne-vơ vậy.

Truly Yours
C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 721, ngày 23-2-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.