Đia xơ

Trước đây, trên Báo Nhân Dân, đồng chí T.L. của chúng tôi có gửi cho nhân dân Anh một bức thư, trong đó có nói về trách nhiệm của chính phủ Anh là một trong hai chủ tịch hội nghị Giơnevơ, và vạch rõ rằng chính phủ Anh đã vi phạm hiệp nghị Giơnevơ khi cử nhân viên quân sự sang giúp Mỹ và nhà cầm quyền Sài Gòn chống lại phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Nghe đâu sau đó, trước quốc hội Anh, trả lời chất vấn của một số nghị sĩ về vai trò của phái đoàn gọi là "cố vấn" Anh ở Sài Gòn, ngài đã chối rằng đó chỉ là Những nhân viên dân sự được phái tới theo lời mời của "chính phủ" Sài Gòn.

Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, ngày 18-1 mới đây, trong số những người bị chết trận ở miền Nam Việt Nam, lại có một người Anh.

Thưa ngài ngoại trưởng, người Anh chết trận đó lại là một đại tá, một đại tá tư lệnh không quân hoàng gia Anh ở Viễn Đông. Viên đại tá Anh xấu số đó đã đi trên một máy bay quân sự Mỹ cùng với hai người Mỹ khi chiếc máy bay này đang nhào lộn bắn phá trận địa của du kích. Cũng không may là khi các máy bay Mỹ tới cứu ba người bị rơi xuống biển thì họ chỉ cố cứu được... hai người Mỹ, còn viên đại tá Anh họ đành chịu không cứu được!

Thưa ngài ngoại trưởng, nhân câu chuyện không may trên đây, chúng tôi xin mạn phép nêu với ngài vài câu hỏi:

- Phải chăng theo quan niệm độc đáo của người Anh, một viên đại tá tư lệnh không quân cũng chỉ là nhân viên dân sự?

- Phải chăng việc một viên đại tá Anh đi trên máy bay Mỹ bắn phá trận địa của du kích là một hành động nhằm xúc tiến sự thi hành hiệp nghị Giơnevơ, theo lệnh của ngoại trưởng Anh, một trong hai chủ tịch hội nghị Giơnevơ?

- Ngài sẽ khiển trách hãng Roitơ như thế nào khi hãng đó, bất chấp lời của ngài trước quốc hội, đã dại dột nói rằng việc người Anh tham gia chiến trận ở miền Nam Việt Nam lần này không phải là lần đầu mà là việc trước đây đã từng có?

Mong thư trả lời của ngài.

Kính chào ngài,

DÂN VIỆT

---------------------

Báo Nhân Dân số 3586, ngày 22-1-1964, tr.4.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.