Người Arập có câu tục ngữ: “Một kẻ địch ở trong nhà, muôn phần nguy hiểm hơn là vạn kẻ địch ở ngoài sân”.

Bidéctơ là một cửa biển của nước Tuynidi, có 44.700 nhân dân. Trước ngày Tuynidi độc lập (1956), thực dân Pháp đã xây dựng ở đó một căn cứ quân sự kiên cố.

Từ ngày Tuynidi độc lập, căn cứ ấy chẳng những xâm phạm đến chủ quyền của Tuynidi, mà còn uy hiếp cả các nước Bắc Phi.

Chính phủ Tuynidi đã nhiều lần đòi Pháp rút đi, nhưng thực dân Pháp cứ ỳ ra, chưa chịu rút. Việc Pháp thử bom nguyên tử ở Xahara, bên cạnh Tuynidi, làm cho căn cứ quân sự Pháp ở Bidéctơ càng thêm tính chất nguy hiểm.

Hôm 17-7-1961, một lần nữa, Quốc hội Tuynidi đòi quân đội Pháp rút khỏi Bidéctơ.

Trả lời yêu cầu đó, Pháp quay lại đòi quân đội Tuynidi rút khỏi thành phố Bidéctơ (ở cạnh căn cứ quân sự Pháp), để chúng chiếm đóng nốt! Thái độ ngang ngược ấy giống hệt thái độ trắng trợn của thực dân Pháp khi chúng đòi giải tán các đội tự vệ ta ở Hà Nội, trước ngày kháng chiến nổ bùng.

Hôm 20-7, thực dân Pháp dùng hải, lục, không quân đánh thành phố Bidéctơ.

Chúng đã khoe khoang kết quả “thắng lợi” của chúng là:

812 người Tuynidi đã bị bắn chết,

1.155 người bị thương,

633 người mất tích. Và chúng đã cướp được:

120 tấn đạn dược,

733 vũ khí các loại,

551 súng trường, v.v..

Tổng thống Đờ Gôn nói: “Vì an ninh của nước Pháp và tình hình thế giới, mà Pháp phải chiếm đóng Bidéctơ”. Một lý do kỳ quặc vậy thay! Năm xửa năm xưa con quỷ phát xít Hítle cũng nói: “Vì an ninh của nước Đức và vì tình hình thế giới, mà Đức phải chiếm đóng nước Pháp”.

Đế quốc Mỹ cũng có kho tàng quân sự ở cảng Bidéctơ, cho nên chúng hết sức ủng hộ Pháp trong cuộc xâm lăng này.

Đấu tranh chống thực dân là hoàn toàn chính nghĩa. Bởi vậy nhân dân Việt Nam ta và nhân dân tiến bộ thế giới đều nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ nhân dân Tuynidi.

Ở Liên hợp quốc, đại biểu Liên Xô đã lên tiếng đòi Pháp rút khỏi Bidéctơ. Và hôm 5-8, Liên Xô đã giúp Tuynidi 25 triệu đồng rúp để xây dựng thủy nông và một viện huấn luyện kỹ thuật.

“Lửa thử vàng, gian nan thử bạn”. Nhân vấn đề Bidéctơ mà nhân dân Tuynidi càng nhận rõ ai là bạn, ai là thù.

T.L.

--------------------------

- Báo Nhân Dân, số 2697, ngày 9-8-1961, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.179-180.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.