“Tiên phong” là một tên kiêu ngạo của vệ tinh Mỹ bị hỏng. Nó đã làm cho dư luận thế giới đồng thanh chê cười:

Vệ tinh quả quýt tẻo tèo teo,
Bay được mươi gang đã cháy phèo,
Thiên hạ chê cười như tát nước,
Mỹ ta trơ mặt mẻo mèo meo”.

Sau ngày vệ tinh số 2 của Liên Xô thắng lợi lên trời, báo chí các nước đã có những bình luận như: Hãng thông tấn Mỹ hỏi các báo tư sản châu Á:

Cả năm nay, mười việc gì nổi bật,
Trong mười việc, quan trọng nhất là việc nào?

Các báo nhất trí trả lời:

Việc to nhất đã rành rành,
Vệ tinh Xô-viết bay quanh địa cầu.

Hôm 28-11, báo Mỹ Tin điện Hoa Thịnh Đốn, đăng tin: Bản báo cáo bí mật của Bộ quốc phòng Mỹ nhận rằng vì Liên Xô có vệ tinh, mà ngày nay Mỹ đã sụt xuống địa vị một nước hạng nhì… và:

Nếu bị tiến công một cách đại quy mô,
Thì Mỹ chỉ có lương thực đủ cho 20 ngày…
Nếu đánh nhau với Liên Xô thì Mỹ sẽ thua ngay.

*

* *

Đầu tháng 12, các báo tư sản Mỹ và nước ngoài đều chuẩn bị sẵn để đăng tin mừng vệ tinh “Tiên phong”.

Sáng ngày 6-12, hơn 120 nhà báo Mỹ và nước ngoài được mời đến Bộ Quốc phòng Mỹ, và nghe người phụ trách việc phóng vệ tinh là ông W. nói chuyện, đại ý như sau:

“Tiên phong” và máy phụ tốn 80 triệu đô-la,
Nó sẽ bay cao độ 480 cây số và… và….

Sau cuộc nói chuyện là mấy phút hồi hộp, mọi người nín hơi lặng tiếng chờ tin.

Chờ tin mừng, song than ôi!
Vệ tinh nổ toẹt mất rồi còn đâu!

Đang ốm, Tổng thống Mỹ nghe tin buồn ấy càng ốm thêm.

Ngài thở dài ba cái và chỉ nói:

Đau lòng ta lắm, ai ơi!

Và Phó Tổng thống Ních-xơn (Nixon, BT) thì nói:

Thế là hỏng toẹt sạch rồi còn chi!

Viên Phó Chủ tịch Ban quân sự của Quốc hội Mỹ thở than:

Thật là xúi quẩy rủi ro!
Phản ứng của nhân dân Mỹ là: lo và ngờ.

Các đại biểu Quốc hội Mỹ người thì nói:

Đứng về mặt tuyên truyền mà trông
Thì chuyến này thất bại to không gì bằng!

Kẻ thì trách:

Khua chuông, gõ mõ ỉnh oi,
Bây giờ thất bại mới lòi mặt ra,
Đau lòng, bẽ mặt xót xa.

Trong lịch sử Mỹ, thất bại này thật là to đã quá to. Các báo Mỹ cũng chê trách lu bù. Hãng UP. viết:

Đứng về tâm lý và chính trị mà so,
Thì tổn thất này là phi thường to và thật đáng buồn.

Báo Diễn đàn Nữu-Ước:

Quả trứng thối đã vỡ toang
Trước quốc sỉ ấy, Mỹ ăn mần răng, nói mần răng bây giờ!

Vì “Tiên phong” hóa ra “Hậu hỏng” mà một bầu không khí bi quan, chán nản đã bao trùm cả nước Mỹ. Báo chí các nước, nhất là các báo thân Mỹ, thì mỉa mai, chê trách đủ điều. Như:

Báo Phi-ga-rô (Pháp) viết:

Mỹ đã bị thất bại to[1]
Nó có tính chất cả nước và cả thế giới, thật đáng lo, đáng buồn.

Báo Rạng đông (Pháp):

Thất bại này là một tiếng chuông [2]
Từ nay Mỹ nên “khiêm tốn” một chút chớ huênh hoang như mọi ngày.
Mỹ quen khoác lác xưa nay,
Rằng vận mạng của thế giới đều do tay Mỹ cầm.
Chính sách ngoại giao Mỹ nhiều sai lầm,
Đã mang lại cho các nước nhiều sự tối tăm và thảm sầu.

Báo Thế giới (Tây Đức):

Mỹ cùng Liên Xô chạy đua,
Phen này ông Mỹ đã thua điếng người
Không phải dê-rô với 2,
Mà dê-rô với hơn ngoài 500 [3]

Báo Đoàn kết (Ý):

Thất bại Mỹ không chỉ do kỹ thuật mà ra,
Mà chính trị và xã hội, ấy là nguyên nhân.
Liên Xô thắng lợi bao lần,
Vì chủ nghĩa xã hội là mười phần vẻ vang.

Báo Tin tức (Đan Mạch):

Thảm bại làm Mỹ kinh hồn,
Tưởng mình giỏi nhất thế giới, nay phải dồn lại sau.
“Tiên phong” thối, giá tiền chẳng là bao,
Nhưng lòng tự tin của khoa học và kỹ thuật Mỹ thì tiêu hao hết rồi.

Báo Tân văn (Thụy Điển):

Mỹ mời phóng viên thế giới đến xem vệ tinh,
Nhưng họ chỉ chứng kiến cái tình hình thảm thương.
Thất bại Mỹ càng chứng tỏ rõ ràng
Rằng khoa học Xô-viết phi thường là cao.

Báo Độc giả tân văn (Nhật):

Cùng Liên Xô chạy thi, Mỹ đà lạc hậu,
Mỹ đã lòi mặt xấu trớ trênh.

Báo Đông Kinh tân văn (Nhật):

Từ sau đại chiến thứ hai,
Mỹ quen hống hách như ngài là vua.
Bây giờ ngài rõ mặt thua,
Khoa học, kỹ thuật Mỹ không lừa được ai nữa đâu.

Báo Buổi chiều (Ai Cập):

Vệ tinh Mỹ đã nổ toang
Khoa học, kỹ thuật Mỹ cũng “đoàng” nổ theo.
Vệ tinh Xô cứ bay cao,
Tỏ rằng chủ nghĩa xã hội dồi dào tiến nhanh
Tiến lên địa vị đàn anh.

Báo Kim tự tháp (Ai Cập):

Thất bại này giáng cho Mỹ một vố ngắc ngư…
Huênh hoang cho lắm, càng nhơ nhớp đời.

Báo Tân văn (Anh):

Phen này thất bại quá đau,
Làm cho Mỹ nản lòng, lo lắng không biết mai sau thế nào?

Nói tóm lại: Dư luận thế giới tuôn đủ lời chua cay, khinh bỉ lên đầu Mỹ. Không khí ấy càng làm nổi bật dư luận thế giới đối với khoa học, kỹ thuật của Liên Xô. Vài thí dụ:

Báo Thế giới (Pháp):

Hơn cả mọi cách tuyên truyền,
Vệ tinh đã chứng tỏ sự tiến bộ vô biên từ Cách mạng Tháng Mười.

Báo Chữ thập (Pháp):

Từ tên “nhà quê” đến quả vệ tinh[4]
40 năm cách mạng đã chứng minh kết quả lạ thường.

Báo Chiến đấu (Pháp):

Những chiến thuật phương Tây hôm qua là đúng,
Vì vệ tinh mà hôm nay không đứng vững nữa rồi.

Báo Buổi mai (Thụy Điển):

Phải chăng hai quả vệ tinh
Báo tin Liên Xô sẽ chiếm bậc nhất trong mọi ngành nay mai.

Báo Ngày nay (Đan Mạch):

Vệ tinh số 1 làm Mỹ mất
Các thói kiêu căng tự khoe mình.
Vệ tinh số 2 giáng một vố
Làm cả nước Mỹ đều thất kinh.

Báo Ngọn cờ (Ấn Độ):

Lý luận quân sự phương Tây
Bị vệ tinh đánh một vố mà ngây cả người

Ông Gát-lan, Chủ tịch Hội nghiên cứu khoa học vệ tinh (Anh) nói:

So với Liên Xô, thì ngành chế tạo vệ tinh
Mỹ đang lạc hậu độ chừng 10 năm.

Thời báo Nữu-Ước (Mỹ) cũng nhận rằng:

Mỹ không có hy vọng nay mai,
Chế tạo được vệ tinh nhân tạo sáng tày Liên Xô.

Khác với bọn Mỹ chủ quan và kiêu ngạo, những người cách mạng chúng ta không xem khinh khả năng tiến bộ của ai, kể cả của Mỹ. Nhưng chúng ta có quyền nói một cách chắc chắn rằng: Vì mục đích của nó là hòa bình và hạnh phúc của loài người cho nên khoa học, kỹ thuật của chế độ xã hội chủ nghĩa đã tiến bộ hơn và sẽ hơn mãi khoa học, kỹ thuật của chế độ tư bản chủ nghĩa.

TRẦN LỰC

---------

[1], [2] Là những tờ báo phản động nhất ở Pháp

[3] Ý nói: Liên Xô đã phóng hai vệ tinh, Mỹ không phóng được vệ tinh nào. Vệ tinh thối của Mỹ nặng một cân, vệ tinh số 2 của Liên Xô nặng hơn 500 cân

[4] Cũng như trước đây, bọn thực dân Pháp gọi ta là “nhà quê” với một cách khinh bỉ, dưới chế độ Nga hoàng, tiếng “mu-gích” (nhà quê) cũng là một tiếng gọi khinh bỉ.

Báo Nhân Dân, số 1390, ngày 29-12-1957, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.