I- Bị đế quốc, phong kiến, tư sản mại bản và các giai cấp bóc lột khác áp bức, nông dân lao động Việt Nam có nhiệt tình cách mạng rất cao. Trong cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân, nông dân lao động đã hăng hái theo Đảng, theo giai cấp công nhân; trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, nông dân lao động vẫn là bạn đồng minh tin cậy nhất của giai cấp công nhân. Chỉ trong gần hai năm, ngót 45% nông dân lao động toàn miền Bắc đã tự giác, tự nguyện vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Thái độ đó đối với cách mạng xã hội chủ nghĩa là mặt chủ yếu của nông dân lao động miền Bắc. Đó cũng là mặt chủ yếu của nông dân xã viên. Người nông dân xã viên nói chung là người nông dân tiên tiến, đi đầu cắm ngọn cờ hồng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.

Từ khi vào hợp tác xã, trình độ giác ngộ của họ được nâng lên thêm một bước. Tuy nhiên, cần nhận rằng người xã viên hôm nay còn mang rất nhiều dấu vết của người nông dân cá thể hôm qua. Một thời gian ngắn sản xuất theo lối tập thể chưa thể xóa bỏ ngay được tập quán sinh hoạt, tập quán canh tác, ý thức tư hữu đã có từ hàng nghìn năm. Hơn nữa, quan hệ sản xuất ở hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay là quan hệ sản xuất nửa xã hội chủ nghĩa, thu nhập của người xã viên gồm một phần là hoa lợi ruộng đất, một phần là công lao động. Thực tế khách quan đó không thể không tác động đến tư tưởng người xã viên. Điều cần chú ý nữa là thường thường ý thức có trạng thái lạc hậu so với tồn tại.

Nói chung, người nông dân khi vào hợp tác xã tức là đã đổi đời nhưng vẫn còn vương vấn "kiếp trước" ở một trình độ nhất định, nhất là khi cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã hiện nay còn rất bé nhỏ, sản xuất chưa tập trung cao độ, điều kiện sản xuất nói chung chưa căn bản khác lối sản xuất cá thể. Ngoài ra, chúng ta cũng biết rằng việc giáo dục tư tưởng xã hội chủ nghĩa cho nông dân trước và sau khi vào hợp tác xã chưa được nhiều, chưa được sâu. Chúng ta cũng biết rằng trong bất cứ phong trào cách mạng nào, tiên tiến là số ít và số đông là trung gian, muốn củng cố và mở rộng phong trào, cần phải nâng cao hơn nữa trình độ giác ngộ của trung gian để kéo chậm tiến. Cuối cùng, cũng không nên quên phong trào hợp tác hóa nông nghiệp chỉ mới chiếm ngót một nửa số nông hộ toàn miền Bắc, gần một nửa số nông hộ còn sản xuất theo phương thức cá thể và hàng ngày, hàng giờ tác động tư tưởng người xã viên.

II- Việc tiếp tục nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết. Công tác tư tưởng, công tác chính trị trong hợp tác xã phải được coi là công tác hàng đầu, nhất là khi cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã còn nhỏ bé. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 16 ghi rõ: "Trong quá trình xây dựng và phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cần phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị và tư tưởng nhằm nâng cao không ngừng trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho xã viên, nâng cao ý thức lao động tập thể và tinh thần thi đua yêu nước, nâng cao tinh thần làm chủ hợp tác xã, tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của xã viên, nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục hiện tượng xích mích, suy tị, thiếu đoàn kết trong hợp tác xã, khắc phục tư tưởng cá nhân, bảo thủ, ỷ lại. Phải giáo dục cho cán bộ hợp tác xã tinh thần chí công vô tư, tác phong dân chủ, đồng thời giáo dục cho xã viên biết coi công việc của hợp tác xã như công việc của nhà mình và ai nấy đều phải thực hành khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Phát huy tinh thần tích cực và sáng tạo của các xã viên, động viên tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm đối với mọi công việc của hợp tác xã, nhất là đối với việc quản lý lao động, cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh sản xuất". Đó là nội dung cụ thể của công tác tư tưởng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển hợp tác xã, và cũng là nội dung cụ thể của đợt củng cố hợp tác xã về mặt tư tưởng trong ba tháng trước mắt.

Tiếp tục nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho xã viên lên một bước là củng cố lòng tin của xã viên ở lối làm ăn tập thể, tính hơn hẳn của hợp tác xã, sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội. Cần làm cho xã viên thấy rõ phấn đấu cho hợp tác xã tăng sản xuất là phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội không phải là cái gì cao xa mà cụ thể là ý thức lao động tập thể, ý thức kỷ luật, tinh thần thi đua yêu nước, tăng sản xuất cho hợp tác xã, tăng thu nhập cho xã viên, tinh thần đoàn kết tương trợ, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, không sợ khó, ý thức cần kiệm.

Việc nâng cao tinh thần làm chủ hợp tác xã cho xã viên là rất cần thiết vì người xã viên mới còn mang nhiều tàn tích của người nông dân cá thể, tư hữu. Nhất thiết phải làm cho xã viên thấy rõ lợi ích hợp tác xã và lợi ích xã viên là nhất trí. Sản xuất của hợp tác xã giảm thì thu nhập của xã viên không thể tăng. Hợp tác xã phồn vinh thì đời sống xã viên được cải thiện. Do đó, ra sức chăm lo lợi ích của hợp tác xã, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, phản đối thái độ "cha chung không ai khóc" là phát huy tinh thần làm cho hợp tác xã và đồng thời là tích cực phấn đấu cải thiện đời sống cho mình.

Cần thông qua việc bán thóc và các nông sản khác cho Nhà nước mà làm cho xã viên thấy lợi ích xã viên, lợi ích hợp tác xã và lợi ích Nhà nước là nhất trí. Điểm này cũng là một nội dung cần thiết của việc nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho xã viên.

Hiện tượng thiếu đoàn kết, suy tị giữa các xã viên trong hợp tác xã là một hiện tượng khá phổ biến, vì chế độ cá nhân chiếm hữu tư liệu sản xuất trước đây chia rẽ người với người. Hợp tác xã là chế độ tập thể chiếm hữu tư liệu sản xuất, đoàn kết người với người. Do đó cần làm cho xã viên thấy rõ sự khác nhau giữa hai chế độ, thấy rõ lợi ích của các xã viên gắn bó với nhau trong hợp tác xã. Đồng thời cần tiếp tục giáo dục xã viên đoàn kết với bà con nông dân lao động chưa vào hợp tác xã theo đúng tinh thần "người đi trước rước người đi sau".

Đối với cán bộ quản trị hợp tác xã, cần nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu, chí công vô tư, liêm khiết, rèn luyện tác phong dân chủ, mọi việc đều làm theo đường lối quần chúng, khắc phục bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hách dịch, độc đoán. Cần giáo dục cho cán bộ hợp tác xã tinh thần bình đẳng đối với xã viên.

Phương pháp tiến hành đợt củng cố về tư tưởng trong hợp tác xã nên làm theo cách giáo dục thuyết phục, giúp đỡ lẫn nhau. Nên thông qua việc tổng kết vụ mùa, sơ kết sản xuất Đông - Xuân, rút kinh nghiệm xây dựng và phát triển hợp tác xã mà tiến hành.

L.T.

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 2101, ngày 17-12-1959, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.357-360.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.