Nghe nói ruộng thí nghiệm Trung Quốc mỗi mẫu tây gặt được 332 (ba trăm ba mươi hai) tấn và 760 kilô, tôi lại hân hạnh nhận được nhiều thư. Các bạn đọc đều hỏi một câu giống nhau:

“Có thật vậy không? Tôi chưa dám tin”.

Xin các bạn cứ tin. Sự thật đã rõ ràng, thì ta phải tin. Sự thật là ở Trung Quốc:

- Thu hoạch vụ chiêm năm nay đã tăng ngang với mức tăng của tất cả kế hoạch năm năm thứ nhất cộng lại;

- Hơn mười triệu mẫu tây đã thu hoạch gấp đôi vụ chiêm năm ngoái;

- Năm nay, cả chiêm và mùa cộng lại, bình quân mỗi người công dân sẽ được hơn 500 kilô lương thực.

Nông dân Trung Quốc đã đạt kết quả tốt đẹp như vậy, dù nhiều vùng bị mưa đá, sương muối, sâu bọ, gió bão... Như tỉnh Hà Bắc, suốt chín tháng thiếu mưa, mà thu hoạch vẫn tăng 77%. Đó là vì sức người đã đánh thắng thiên tai.

Bà con Trung Quốc tin vào lực lượng to lớn và tính sáng tạo dồi dào của mình. Họ đã làm tốt các việc: chọn giống, cày sâu, cấy dày, thủy nông, phân bón, chống úng, diệt sâu, cải tiến kỹ thuật... Họ nói: “Tư tưởng đúng chừng nào, sản xuất cao chừng ấy!”, và “Người có quyết tâm to, thì đất phải sản xuất nhiều!”.

Thật vậy, do tư tưởng đúng, quyết tâm to, mà họ đã khắc phục mọi khó khăn, giành được nhiều thắng lợi. Họ đã “bắt sông phải uốn khúc, bắt núi phải cúi đầu” để phục vụ nông dân.

Một mặt thì họ rất hiên ngang: “Trời dù rét, nhưng quyết tâm ta nóng hổi. Núi tuy cao, nhưng vẫn thua bàn chân ta”. Mặt khác, họ lại rất âu yếm, họ ân cần chăm lo cho nương ngô ruộng lúa của họ như người mẹ hiền chăm lo cho đàn con.

Họ còn ra sức thi đua và giúp đỡ nhau giữa xã này với xã khác, địa phương này với địa phương khác.

Hàng triệu người tích cực như thế thì việc gì cũng làm được!

Còn điều quan trọng bậc nhất là sự lãnh đạo sáng suốt và chặt chẽ của Đảng. Đảng đã giáo dục cho mỗi người nông dân thấy rõ rằng chủ nghĩa xã hội là con đường tốt nhất, và lúc đầu phải đấu tranh gian khổ để mở đường. Phải kiên quyết chống tư tưởng bảo thủ nó ngăn trở người ta tiến bộ. Phải vạch rõ ranh giới giữa ta và địch (địch đây gồm cả thiên tai, giai cấp thù địch, tập quán lạc hậu, tư tưởng sợ khó, sợ khổ, v.v.).

Nhờ vậy mà tư tưởng của nông dân được giải phóng, lòng tin tưởng và tính tích cực của họ được phát triển gấp trăm, gấp nghìn lần, tinh thần xã hội chủ nghĩa lên cao vùn vụt. Vì vậy, khó khăn gì họ cũng khắc phục được.

Vả lại, nông dân đều có tổ chức. Chi bộ của Đảng và Đoàn, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng luôn luôn xung phong làm gương mẫu trong mọi việc. Vì vậy, nhân dân vô cùng tin cậy chi bộ và cán bộ.

Đó là những điều kiện làm cho nông nghiệp Trung Quốc tiến bộ nhảy vọt, và ruộng thí nghiệm đã thu hoạch hơn 332 tấn thóc một mẫu tây.

Tôi xin nói thêm về phân bón.

Bà con Trung Quốc bón phân không kể mấy gánh như đồng bào nông dân ta. Họ kể hàng trăm tấn. Có nơi không kể tấn, mà kể phân dày mấy tấc trên mặt ruộng. Các ruộng thí nghiệm, mỗi mẫu tây họ bón 1.120 đến 1.150 tấn phân. Phân càng nhiều, thì lúa càng tốt, đó là lẽ tự nhiên.

Có người hỏi: Phân đâu mà nhiều như thế?

Thưa: Ngoài phân bắc và phân chuồng, họ đã tìm được hơn một trăm nguồn phân, như: bùn, cỏ, rêu, lá cây, vỏ cây, giây khoai, giây lạc, bã rượu, đất hang núi, v.v.. Nhiều hợp tác xã tự xây xưởng nhỏ để làm phân hóa học.

Ở nông thôn ta đã có nơi thực hiện “sạch làng tốt ruộng”. Để giúp nông dân, thành phố Trung Quốc đã thực hiện “sạch phố tốt ruộng”. Họ tập trung tất cả rác rưởi của thành phố thành từng đống, một lớp rác, một lớp phân súc vật, một lớp nước cống rãnh và nước tiểu. Mỗi đống sáu lớp, cao độ ba thước, dài 30 thước, trát bùn bên ngoài, để vài lỗ thông hơi. Hai tháng sau, rác biến thành phân tốt.

Họ cũng dùng phân đất. Lấy đất đắp thành những đống như chuồng gà, bịt kín. Tầng trên có ống thông với ống khói bếp. Khói xuyên qua các tầng rồi đi ra ống ở tầng cuối cùng. Hun khói như vậy sáu tháng, đất biến thành phân.

Mỗi khi gặt ruộng thí nghiệm đột xuất, thì bí thư và chủ tịch huyện và tỉnh, cùng các chuyên gia nông nghiệp về xem tận nơi. Họ ghi từng bụi và từng cây lúa, đếm từng bông và từng hột lúa. Rồi nghiên cứu cách làm đám ruộng ấy từ lúc chọn giống đến ngày lúa chín. Các đồng chí ấy làm rất cẩn thận, rất khoa học, chúng ta có thể tin được. Chúng ta có thể tin rằng: Có quyết tâm làm, thì chúng ta cũng làm được như các đồng chí Trung Quốc. Và nếu bước đầu, chúng ta hẵng làm cho được bằng một phần trăm của ruộng thí nghiệm Trung Quốc, tức là bình quân cả miền Bắc mỗi mẫu tây thu hoạch 3 tấn 327 kilô, thì đã là thắng lợi bước đầu.

TRẦN LỰC

---------------------

Báo Nhân Dân, số 1629, ngày 28-8-1958, tr.3.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.