Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam buộc hàng chục vạn thanh niên Hoa Kỳ bỏ gia đình, vợ con, cha mẹ để đi chết ở nơi chiến trường cách xa quê hương họ hơn vạn rưởi dặm. Vì vậy nhiều thanh niên đã phản đối.

Để khỏi phải đi lính, thanh niên Hoa Kỳ đã dùng nhiều cách. Người gan góc thì xé giấy “binh dịch”, thà ở tù chứ không chịu đi lính sang Việt Nam. Người thì làm cho mình ốm đau, để khỏi bị nhập ngũ. Ví dụ: Gần đến ngày đi khám thân thể, họ cố thức suốt 48 giờ không ngủ để cho cả người bủn rủn, khờ khạo đi. Hoặc họ ăn thật nhiều chất ngọt để đái ra đường. Hoặc hút nhiều thuốc lá tẩm mực lam để cho có vết đen trong phổi, v.v. (báo Mỹ Thời đại hằng tuần, 4-2-1966).

Một khi đã mắc vào tròng, đã thành tên lính Mỹ, thì đêm ngày họ bị nhồi sọ, họ mất hết “lương tri”, họ trở thành cái máy không biết suy nghĩ gì nữa. Trong một cuộc điều tra của Hãng AP Mỹ (5-3-1966) hỏi về thái độ của họ đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, hầu hết lính Hoa Kỳ đều trả lời: “Chúng tôi là lính. Người ta trả lương. Người ta bảo làm gì chúng tôi cũng làm”. Hỏi họ thường suy nghĩ gì? Họ trả lời: “Chúng tôi chỉ lo sáng nay có bị chết không? Tối nay có bị ướp lạnh không?” (lính Hoa Kỳ chết thì xác bị ướp lạnh để chở về Mỹ).

Khi bị xua ra mặt trận, thì người lính Hoa Kỳ tỏ ra mệt mỏi, lo sợ, chán ngán, buồn rầu. Sau đây là một đoạn nhật ký của một tên sĩ quan Mỹ: “Chiến hào này vừa là hầm trú ẩn, vừa là y viện, vừa là nơi để xác chết của chúng tôi... Mưa xối rả rích. Đạn nổ điếc tai. Thương binh chất đống. Cả chiến hào là một cảnh đau thương” (UPI, 30-1-1966).

Mấy điểm tóm tắt trên đây chứng tỏ lính Mỹ là người có xác không hồn. Hãng AP (14-2-1966) đã thú nhận rằng: “Lính Mỹ như một lực sĩ hạng nặng, nhưng mù mắt, lại bị đẩy vào một chiến trường đầy cạm bẫy, chông gai. Việt cộng là một võ sĩ hạng nhẹ, tinh khôn, già dặn, lại có con mắt ở cả sau đầu”.

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của ta là chính nghĩa, quang minh chính đại như mặt trời. Chiến sĩ của ta là anh hùng lỗi lạc, chẳng những cả thế giới đều ca tụng, mà kẻ thù cũng phải kiêng sợ, ngợi khen. Vài ví dụ:

- Một chuyên gia quân sự Mỹ là H.Bđơuyn nói: “Phải có một triệu lính Mỹ mới hòng bình định được miền Nam Việt Nam”.

- Chủ tịch Ủy ban quân lực của Quốc hội Mỹ là Rớtxen nói: “Du kích Việt cộng là tài tình nhất trong lịch sử loài người”.

- Tờ Thời báo Nữu Ước (23-8-1965) viết: “Du kích Việt cộng là kẻ địch mà người ta phải kiêng sợ và kính phục... Họ thà chết chứ không chịu lùi”.

- Báo Tin tức Mỹ và thế giới (6-9-1965) viết: “Du kích Việt cộng là tài tình nhất, vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”.

Giặc Mỹ trang bị với những vũ khí oai nhất, nhưng không có tinh thần. Nhân dân ta thì trang bị với tinh thần dũng cảm nhất, quyết tâm kiên cường nhất. Do đó, Mỹ ngày càng thua to, ta ngày càng thắng lớn.

Ở miền Nam - Chỉ trong hai tháng đầu năm nay, quân và dân ta đã diệt 3 vạn 2 nghìn tên địch, trong đó có 16.000 tên xâm lược Mỹ. Diệt gọn 7 tiểu đoàn và 30 đại đội địch, trong đó có 4 tiểu đoàn Mỹ. Bắn rơi và phá huỷ hơn 500 máy bay Mỹ, v.v..

miền Bắc - Kể đến ngày 8-3-1966, quân và dân ta đã bắn rơi 904 máy bay Mỹ.

Còn tin “mừng” cho lính Mỹ là gì? Thưa rằng:

- Báo Nhật đăng tin: Mỹ mới đặt mua ở Nhật 40 vạn cái bao đựng xác chết bằng chất dẻo để dùng cho quân đội xâm lược Mỹ ở Việt Nam. Thế là tạm đủ. Đó là tin thứ nhất.

- Quốc hội Mỹ vừa quyết định: Khi những lính Hoa Kỳ trở về Mỹ, chúng sẽ được quyền ưu tiên có việc làm, có phòng ở và được cấp thuốc men khi đau ốm. Những tên lính nào đã được dùng bao bằng chất dẻo, thì thôi. Đó là tin thứ hai.

- Vợ Tổng thống Philíppin là Macô phu nhân đã hứa với tổng Zoon[1], bà ta sẵn sàng cho cậu con trai bảy tuổi của bà sang để giúp thêm lực lượng cho quân đội xâm lược Mỹ ở Việt Nam. Đó là tin thứ ba...

CHIẾN SĨ

----------------------

- Báo Nhân Dân, số 4357, ngày 11-3-1966, tr.4.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.54-56.


[1]. Chỉ Tổng thống Mỹ Giônxơn (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.