Tiếp tục phong trào thi đua thường xuyên, mấy tháng trước đây khắp cả Liên Xô đã phát động một đợt thi đua đặc biệt để lấy thành tích chúc mừng lễ kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Từ đầu tháng 10, các nhà máy và nông trường lần lượt báo cáo thành tích tốt đẹp (vượt mức kế hoạch đã định) đã đạt được.

Từ trung tuần tháng 10, các nhà máy, nông trường, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội, các trại nhi đồng... đều tổ chức những buổi hội họp. Họ mời các cụ ông, cụ bà (nhiều cụ đã vào Đảng Cộng sản từ năm 1903) đến nói chuyện. Những chuyện các cụ thuật lại đều có thể tóm tắt dưới một đầu đề chung là “tin tưởng và quyết tâm thì nhất định thắng lợi”:

Cách mạng Tháng Mười thành công, nhưng kinh tế đã bị bốn năm Thế giới chiến tranh lần thứ nhất phá hoại đến kiệt quệ.

Quân đội 14 nước đế quốc bốn phía tấn công nước Nga xã hội chủ nghĩa.

- Khắp nơi, bọn phản động nổi loạn và lập chính quyền ngụy.

- Hai năm liền mất mùa đói kém, tật bệnh tràn lan.

Dân cùng tài tận, đó là khó khăn chung. Sau đây là vài chi tiết:

- Trời rét như cắt, tuyết phủ trắng đồng; nhân dân và bộ đội thiếu giầy, phải lấy giấy lộn hoặc giẻ rách bó chân, rồi lấy vỏ cây cuốn lại.

- Thiếu lương thực, mỗi ngày mỗi người chỉ được vài trăm gam bánh mì đen, nhưng cũng bữa có bữa không. Thịt và cá rất hiếm, lúc đó người ta coi như là xa xỉ phẩm. Thiếu diêm, phải nhúm bếp cả ngày cả đêm để giữ lấy lửa. Thiếu dầu phải thắp đuốc thế cho đèn. Những người hay hút thuốc thì phải hút lá cây khô thế cho thuốc lá.

- Các thứ cần cho đời sống hàng ngày đều bị hạn chế, phải có “bông” mới được mua. Mỗi ngày trời chưa sáng, đã có hàng trăm, có nơi hàng nghìn người sắp hàng đứng chờ trước nhà mậu dịch. Nhưng hàng ít mà người đông, nhiều người không mua được phải về tay không.

Nói tóm lại: thiếu thốn trăm điều, khó khăn mọi mặt. Như thế, thái độ của nhân dân như thế nào? Ai cũng hiểu rằng khó khăn là khó khăn chung, mọi người phải bằng lòng chịu đựng, quyết tâm đấu tranh để khắc phục khó khăn giành lấy thắng lợi.

Tuy Chính phủ ban bố luật ngày làm việc tám giờ nhưng công nhân tự động làm 10 giờ, hoặc lâu hơn nữa, vì họ biết rằng có tăng gia sản xuất, mới cải thiện được đời sống.

Có khi xe lửa đang chạy, bất thình lình đứng lại, vì hết than. Gặp lúc như vậy thì công nhân xe lửa và hành khách đi xe đều kéo nhau vào rừng lấy củi. Có củi đốt, xe lại chạy.

Theo lệ, nửa ngày thứ bảy thì nghỉ việc. Nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, công nhân, học sinh, bộ đội, công chức, và tất cả nhân dân đã biến ngày nghỉ làm “ngày lao động nghĩa vụ”. Đồng chí Lê-nin và các lãnh tụ Đảng và Chính phủ đều tham gia lao động. Thấy vậy, nhân dân càng hăng hái thêm.

Nhân dân còn hăng hái thực hiện ba khẩu hiệu “không ăn”, tức là không ăn bột tốt, không ăn quả tốt, không ăn cá tốt. Nói chung là thứ gì tốt cũng không dùng, nhịn để bán ra nước ngoài, đổi lấy máy móc. Thật là thắt lưng buộc bụng, chịu cực chịu khổ, đ xây dựng nước nhà.

Nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào lực lượng của mình, tin tưởng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội, cho nên dù hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không những khôi phục lại kinh tế cũ và phát triển thêm xí nghiệp mới, mà còn xây dựng nhiều thành thị mới, thí dụ như thành phố “Thanh niên”.

Ngày nay “Thanh niên” là một thành phố công nghiệp rất phồn thịnh, nhưng trước cách mạng, đó là một vùng rừng hoang. Sau Cách mạng Tháng Mười, thanh niên Liên Xô biết ở đó có mỏ, bèn rủ nhau xung phong đi khai thác. Lúc đầu máy móc thiếu, kinh nghiệm thiếu, nhà cửa chưa có, giao thông khó khăn, nước độc, muỗi nhiều... Nói tóm lại: hoàn cảnh rất khó khăn. Chỉ do tin tưởng, hăng hái và quyết tâm, mà thanh niên đã vượt được mọi khó khăn, xây dựng thêm cho Tổ quốc một thành phố thịnh vượng. Để ghi công những anh hùng tuổi trẻ, Đảng và Chính phủ đã đặt tên thành phố ấy là “Thanh niên”. Riêng trong tỉnh Mát-xcơ-va đã có bảy thành phố mới như kiểu thành phố “Thanh niên”.

Đến năm 1929-1930, tức là 14 năm sau cách mạng thành công và bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thì đời sống bắt đầu cải thiện và càng ngày càng sung sướng.

Năm 1941, cuộc chiến tranh chống phát-xít Đức, Ý, Nhật nổ bùng. Trong cuộc chiến tranh ấy, Liên Xô lại phải hy sinh rất nhiều người, nhiều của. Giặc phát-xít đã đốt phá:

98.000 hợp tác xã nông nghiệp.
70.000 thôn xã.
1.876 nông trường Nhà nước.
6 triệu ngôi nhà, v.v..

Có thể nói: Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã làm cho sự phát triển kinh tế của Liên Xô chậm mất mười năm.

Tuy vậy, nhờ kinh nghiệm sẵn có và sự tin tưởng, hăng hái quyết tâm của nhân dân, chỉ trong khoảng mấy năm đã khôi phục lại kinh tế và tiến bộ vượt mức: so với năm 1940, thì sản xuất công nghiệp năm 1955 tăng hơn gấp ba lần. Liên Xô lại đã giúp các nước anh em trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa rất nhiều. Ngoài ra còn giúp các nước bạn như Ấn Độ, Khơ-me, v.v.. Thí dụ: đã giúp Trung Quốc xây dựng hơn 200 xí nghiệp đại quy mô, biếu Việt Nam ta 400 triệu đồng rúp, v.v..

Từ một nước nông nghiệp lạc hậu sau 40 năm đã trở nên một nước công nghiệp tiên tiến vào hạng nhất trên thế giới. (Phải nhớ rằng trong 40 năm đó, nhân dân Liên Xô đã phải chịu đựng gian khổ suốt 18 năm). Thành công đó nhờ ai mà có? Nhờ Đảng Cộng sản lãnh đạo sáng suốt, nhờ nhân dân lao động (lao động chân tay và lao động trí óc) tin tưởng, hăng hái và quyết tâm.

Một điều nữa đáng chú ý là khoa học của Liên Xô đã vượt xa của Mỹ. Mỗi năm Mỹ tốn 5.600 triệu đô-la vào việc nghiên cứu và chế tạo tên lửa và vệ tinh, nhưng đến nay còn ì ạch chưa thành công.

Hồi cuối tháng 8, Liên Xô tuyên bố thử tên lửa thành công. Các chính khách Mỹ không tin. Đầu tháng 10, Liên Xô thử vệ tinh thành công, Mỹ mới tin là Liên Xô có tên lửa thật, vì có tên lửa mới phóng được vệ tinh. Nhưng họ lại nói: “Liên Xô chỉ làm được một vệ tinh ấy thôi, chưa làm được nhiều đâu!”. Trước hôm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Liên Xô lại phóng một vệ tinh mới to hơn, nặng hơn và bay cao hơn vệ tinh trước; lại có thả một con chó ở trong vệ tinh.

(Vệ tinh cũ nặng 83 cân, bay cao 900 cây số.
Vệ tinh mới nặng 508 cân, bay cao 1.500 cây số.
Vệ tinh của Mỹ nặng 8 cân, chưa bay được).

Lúc đó Mỹ mới ngã người ra và các báo Mỹ viết: “Bây giờ không còn là vấn đề so với Nga, Mỹ có lạc hậu không, nhưng là vấn đề Mỹ đã lạc hậu bao xa?”.

Hôm mồng 6-11, Xô-viết tối cao làm lễ ăn mừng Quốc khánh, đến dự lễ có đại biểu hơn 60 đảng anh em thay mặt cho 33 triệu người cộng sản các nước. Trong đó có đại biểu 12 nước anh em thay mặt cho 750 triệu nhân dân đoàn kết thành một khối với Liên Xô, dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó lại là một lực lượng vô cùng to lớn, nó sẽ làm cho xã hội chủ nghĩa phát triển khắp thế giới.

Mát-xcơ-va, ngày 7 tháng 11 năm 1957

 TRẦN LỰC

---------

- Báo Nhân Dân, số 1357, ngày 26-11-1957, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.183-187.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.