Ở Pháp, ngày 9-5 vừa rồi là ngày kỷ niệm cô Gianđác. 526 năm trước đây, Pháp bị Anh xâm lược cô Gian lãnh đạo nông dân khởi nghĩa thất bại, các giám mục Anh và Pháp làm án đốt sống cô.

- Cũng là ngày kỷ niệm năm thứ 10 Pháp được giải phóng khỏi ách phát xít Đức.

Hôm đó, ở thành phố Ren cũng làm lễ táng than xương của những người Pháp bị phát xít bắt đưa đi vào đốt sống ở Đức.

- Cũng là ngày đại biểu quân phiệt Tây Đức được hoan nghênh tham gia vào Bộ Tổng Tư lệnh liên quân khối Bắc Đại Tây Dương (sau khi Mỹ ép Pháp ký điều ước Pari để cho Tây Đức vũ trang lại).

Bộ Tổng Tư lệnh này đóng gần Pari. Tổng tư lệnh là một người Mỹ. Đại biểu Tây Đức là tướng phát xít Spêđen, 10 năm trước đây y đã từng đánh phá Pháp lu bù.

Khi làm lễ chào cờ Tây Đức, tướng Mỹ đứng giữa, bên phải y là tướng Tây Đức, bên trái là một tướng Pháp. Đội âm nhạc Anh cử bài quốc ca Tây Đức “Nước Đức trên hết” - tức là bài mà những năm 1940 - 1945 quân phát xít Đức đã hát vang khi chúng ào ạt tấn công nước Pháp. Tiếp đến lễ “cạn chén chúc mừng”. Suốt cả buổi lễ, không ai nói một lời.

Ban âm nhạc Anh đặc biệt sang Pháp để dự lễ kỷ niệm cô Gian và lễ hoan nghênh tướng Đức.

Đứng trước những việc đó, người dân Pháp suy nghĩ:

Xưa kia ấy ai xử tử cô Gian, ngày nay ấy ai phong cô Gian chức thánh.

Ngày xưa, người Anh đốt sống cô Gian, ngày nay, họ lại kèn trống kỷ niệm cô Gian.

Trong lúc nhân dân Pháp đang khóc những người Pháp bị phát xít Đức đốt sống thì tướng quân Pháp chào cờ Đức phát xít, nghe quốc ca Đức phát xít, bắt tay tướng Đức phát xít.

Trên đất nước Pháp mà Tổng Tư lệnh Mỹ chỉ huy mọi việc.

Phải chăng ngày 9-5 vừa qua là hình ảnh tóm tắt cả một pho lịch sử đắng cay của Pháp, mà cũng là hình ảnh chính trị của phe đế quốc do Mỹ cầm đầu?

C.B.

------

- Báo Nhân Dân, số 467, ngày 13-6-1955, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.516-517.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.