Bọn quân phiệt Mỹ thường ba hoa rằng binh sĩ Mỹ là những người "eng hùng"[1], gan dạ. Sự thật thì chúng chỉ là eng hùng rơm. Hai bài báo Mỹ sau đây đã nói lên một phần nào tinh thần bi đát và hèn nhát của chúng, cả về tinh thần và về vật chất.

"Vừa đói, vừa khát, vừa nóng, vừa mệt".

"Khi đánh nhau trong rừng rậm ở cao nguyên Trung Bộ, họ vừa nóng, vừa đói, vừa khát, vừa bẩn. Nước mưa lẫn mồ hôi làm họ ướt đầm đìa. Bốn bề là gai góc sắc nhọn. Họ có thể bị hàng đàn sâu bọ cắn chết.

... Khi muốn tiến lên thì phải rúc vào những nơi rậm rạp nhất, khó đi nhất trên thế giới. Đêm đến, họ muốn nằm xuống trên đất rừng ngủ vài tiếng đồng hồ, nhưng áo ngoài cũng ướt, áo trong cũng ướt, rét run cầm cập. Đất trong rừng đã nhiều gai góc, lại có mùi hôi tanh.

... Vừa rồi, đại đội 2 thuộc lữ đoàn nhảy dù 101 đã sục sạo ba hôm liền mà không gặp Việt cộng. Họ muốn đánh một trận, nhưng họ vừa nóng, vừa đói, vừa khát...

Nhanh lắm là một giờ họ chỉ tiến được độ 300 mét. Một sĩ quan báo cáo về: "Tôi mong có một con rùa để so sánh xem chúng tôi đi nhanh thế nào?".

... Thậm chí giữa buổi trưa cũng chỉ thấy lờ mờ. Một tổ đi tuần đến ngay trước mũi súng máy của nhóm phục kích mà cũng chưa biết.

... Đây là nơi căn cứ của lợn rừng và rắn độc. Có một thứ rắn to mà quân đội Mỹ gọi là "ông hai bước". Bị nó cắn, anh chỉ đi được hai bước thì ngã lăn ra chết...

Ở trong rừng, nghe mưa rơi sột soạt cũng tưởng là tiếng chân kẻ địch đã mò đến gần. Cành cây cọ nhau cọt kẹt, hạt mưa rơi trên lá cây, cũng có tiếng như vậy. (Thật là: "thảo mộc giai binh"!).

Nếu một ngày họ được chén một phần ăn nguội loại C đã là may phúc lắm rồi. Ở trong rừng, họ trở nên vừa gầy, vừa xấu bụng. Nước đựng trong bi đông đã đục lại hôi mùi sắt tây, thế mà họ quý từng giọt nước hơn là rượu vang...

Họ chỉ nhờ vào máy bay lên thẳng cung cấp thức ăn và nước uống. Song như vậy lại làm cho vị trí của họ lộ toét...".

(Trích bài hãng AP, cuối tháng 9-1965).

"Cuốn gói chuồn đi thôi".

Chiếc máy bay lên thẳng đỗ xuống Tân Sơn Nhất. Một chiếc xe cấp cứu của không quân chạy lại. Từ trong máy bay, ba người y tá khiêng ra một cái "băng ca" đưa lên xe.

Một y sĩ nhìn vào mặt người lính nằm trên băng ca. Mặt người này bị bỏng một đám to, da thịt cháy hết, máu chảy đầm đìa.

Viên y sĩ nói: "Chớ lo! Trong năm hôm, chúng tôi sẽ gửi cậu về Mỹ. Nghe rõ chưa? Trong năm hôm cậu sẽ được về Mỹ. Chớ lo. Bây giờ cậu rất may. Cậu sẽ được về nước ngay".

Nói xong, viên y sĩ ngoảnh đi. Công tác của anh ta là chạy chữa cho người bị thương. Nhưng anh ta không dám nhìn cái mặt ấy nữa. Anh ta lầm bầm: "Vết thương napan. Ở Biên Hòa lại có chuyện xảy ra".

Anh ta lại quay về phía cái băng ca và nói thêm: "Năm hôm nữa thôi". Ý anh ta muốn cho tên lính bị thương cố sống cho đến khi về tới y viện.

Ba hôm sau, tên lính ấy được đưa về Mỹ. Họ đặt y trong một cái áo quan bằng nhôm, trên nắp có một cái thẻ nói rõ đưa đến đâu. Rồi họ đưa chiếc quan tài lên máy bay chở về nước để chôn.

... Ở đây là một nơi chết nhục nhã, không vẻ vang. Không ai để ý đến. Chỉ có gia đình họ chú ý đến thôi.

Ở đây, việc nên làm là rời đi. "Cuốn gói rời đi".

(Trích báo Luận đàn Nữu Ước, 4-10-1965).

Từ hôm 15 vừa rồi, hàng vạn quần chúng ở 60 thành phố lớn Mỹ đã rầm rộ biểu tình đòi Chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phong trào này là để ủng hộ Việt Nam, đồng thời cũng là để cứu thanh niên Hoa Kỳ khỏi phải chết cho bọn tư bản độc quyền Mỹ.

Nhân dân ta hoan nghênh và ủng hộ phong trào chính nghĩa đó. Vì nó góp thêm phần làm cho Mỹ nhất định thua, ta nhất định thắng!

CHIẾN SĨ

--------------------

Báo Nhân Dân, số 4219, ngày 23-10-1965, tr.4.


[1]. Anh hùng (BT).

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.