Tin tức Pháp cho biết rằng: Vùng hoạt động của Quân giải phóng lan rộng hơn trước, chỉ cách Thủ đô An-giê 36 cây số.

Tờ báo tư sản Pháp Thế giới (23-4-1956) kể một chuyện như sau:

- Hễ trông thấy một người Âu, thì nhân dân các làng ở vùng Công-stăng-tin bảo nhau: “Chắc sắp có tai nạn gì đây”…

9 giờ sáng ngày 29-3-1956 ở thành phố Công-stăng-tin, một viên công an Pháp bị ám sát.

11 giờ rưỡi, một thanh niên Pháp 23 tuổi, dùng súng bắn chết một người Arập, bắn một người bị thương. Người A-rập thứ ba thấy vậy, chạy trốn trong một quán cà phê, cũng bị tên thanh niên đuổi theo bắn chết. Nó còn bắn 4 người nữa bị thương. Nghe tiếng súng, nhiều cảnh sát chạy đến, nhưng để cho tên thanh niên kia khoan thai đi về nhà nó.

2 giờ rưỡi chiều, cảnh sát, công an, và lính Pháp bao vây kín thành phố Công-stăng-tin. Trong 4 vạn người A-rập, họ chỉ để cho đàn bà và trẻ con ở lại. Còn đàn ông và thanh niên, kể cả người già và người ốm, đều bị bắt đi hết. Tất cả hơn 15.000 người.

Sau đó, cảnh sát Pháp bắt đầu hoành hành: cửa ngõ bị đập toang, phố hàng bị tàn phá, tủ tiền bị vét sạch… Trông thấy cảnh sát mang những “thắng lợi phẩm” về, thậm chí những người Pháp đã ở Triều Tiên (họ không phải là những ông Phật!) cũng phải tỏ vẻ bất bình.

4 giờ rưỡi sáng, những người A-rập bị “bố” mới được tha về. Nhiều người bị bắn chết. Về đến nơi, thì họ thấy nhà bị cướp, vợ bị hiếp. Báo Thế giới kết luận: “Người ta có thể tưởng tượng biết bao căm thù đã chất đầy lòng họ!”.

Xem chuyện này, chắc bà con ta nhớ lại những cuộc càn quét dã man ở nước ta trong thời kỳ kháng chiến, mà thương hại cho anh em An-giê-ri.

- Trong bức thư gửi cho binh sĩ Pháp đi sang An-giê-ri, Đức giám mục Xa-li-e-dơ viết: “An-giê-ri đói khổ. Các con cố gắng nghe ngóng và hiểu biết. Ở Pháp, chúng ta thường dùng danh từ to lớn như tự do, bình đẳng, nó không có nghĩa lý gì cả. Tự do chết đói à… Đối với người công giáo, tất cả mọi người đều là anh em…”.

Cùng với nhân dân Pháp, thanh niên thợ thuyền công giáo Pháp cũng đòi giải quyết vấn đề An-giê-ri bằng cách hòa bình.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 799, ngày 12-5-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.